Thứ 2, 18/11/2024, 09:30[GMT+7]

Cây sanh cổ huyền thoại

Thứ 6, 01/06/2012 | 08:27:49
3,410 lượt xem
Khi đặt chân đến vùng đất Thái Bình, nơi đầu tiên mà Tô Hiến Thành chọn làm đại bản doanh là Miếu Ngọc, thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ ngày nay. Nghĩa quân của ông đã đào giếng Ngọc để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Theo các cụ cao niên trong làng, từ nhiều đời trước đã thấy có cây sanh to ở bên giếng Ngọc. Như vậy là khoảng 300 năm về trước, khi trùng tu hậu cung Miếu Ngọc thì cây sanh được trồng.

Cách đây hơn 800 năm (thời nhà Lý), Thái úy Phụ chính Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông ban cho vùng đất Thái Bình (ngày ấy nơi đây còn là bãi biển hoang vu). Tô Hiến Thành đã điều dân khai hoang, lấn biển, lập làng, xã, dạy dân trăm nghề, tổ chức lực lượng quân đội tạo phòng tuyến chống giặc Chiêm Thành xâm lược nước ta bằng đường biển.

 

Ðức Thánh Tô Hiến Thành - Một trong tứ trụ triều đình dưới hai đời vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, là người hội đủ tài năng thao lược quân sự, chính trị, ngoại giao, nổi tiếng là công minh, chính trực, hết lòng phò vua giúp nước, trị quốc an dân. Ngoài việc lo triều chính, Tô Hiến Thành vẫn dành nhiều thời gian để giáo dục, luyện rèn Lý Anh Tông khi còn nhỏ (3 tuổi). Quốc Tử Giám là trường Ðại học đầu tiên của nước ta, tiến sĩ Tô Hiến Thành đã có công giúp vua tổ chức kỳ thi để chọn nhân tài cho đất nước.

 

Khi đặt chân đến vùng đất Thái Bình, nơi đầu tiên mà Tô Hiến Thành chọn làm đại bản doanh là Miếu Ngọc, thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ ngày nay. Nghĩa quân của ông đã đào giếng Ngọc để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Trong cung cấm Miếu Ngọc còn lưu giữ được 9 sắc phong của vua, pho tượng Ðức Thành cổ nhất Việt Nam) và 2 cuốn thần phả nói về công lao của Ðức Thánh với đất nước và vùng đất nơi đây. Ðặc biệt, trong sắc phong của vua có giao cho nhân dân trong vùng phải thờ phụng Ðức Thánh theo đúng lễ tiết. Theo các cụ cao niên trong làng, từ nhiều đời trước đã thấy có cây sanh to ở bên giếng Ngọc. Như vậy là khoảng 300 năm về trước, khi trùng tu hậu cung Miếu Ngọc thì cây sanh được trồng.

 

Qua hơn 3 thế kỷ, trải bao thăng trầm của lịch sử, bom đạn của chiến tranh, bão, gió... cây gãy cành, gãy ngọn nhiều lần, lại mọc lại, rễ cây chằng chịt, lá xanh tốt, quả trĩu cành, gốc cây đã hóa sừng sẹo, thân mốc mác, tán trải đều các phía. Các bậc cao niên đặt cho đại cổ thụ tự nhiên này một tên gọi vừa uy nghiêm, vừa gần gũi, thể hiện nhân cách của Ðức Thánh Tô Hiến Thành, đó là “Ðại trượng phu” hiên ngang vươn mình trong quần thể di tích Miếu Ngọc, bên cạnh khuôn viên non bộ được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 910 năm ngày sinh của Ðức Thánh với ý tưởng “Tụ nghĩa quần sơn thụ”, có nghĩa nước, non, đại thụ quây quần về một mối.

 

Cũng bên gốc sanh đại thụ này, bao chiến sĩ cách mạng đã từng ẩn náu để hoạt động, tổ chức họp chi bộ Ðảng tại Miếu Ngọc. Cụ Vũ Công Xuyên, Xã đội trưởng, chỉ huy trận đánh chống càn của Pháp năm 1952, bị bắt dưới gốc cây sanh này, sau đó bị đưa đi tù đày ở Hải Phòng. Cụ Nguyễn Thị Tuyến, Xã đội phó lên chỉ huy thay. Mặc dù đổ bệnh phải nằm trên giường từ nhiều năm nay, nhưng khi nghe tin cây sanh - Miếu Ngọc được cấp bằng cây cổ, cụ ngồi dậy bắt con cháu phải chở từ nhà (Quỳnh Mỹ) lên Miếu Ngọc (Quỳnh Hồng) để nhớ về một thời. Ðã 65 năm tuổi Ðảng và qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn, hào hứng kể cho chúng tôi nghe bao điều huyền thoại về cây sanh - Miếu Ngọc.

 

Cụ Vũ Công Viện, 65 năm tuổi Ðảng, 90 tuổi đời, cũng là chiến sĩ cách mạng thời kỳ chống Pháp với bao kỷ niệm, dưới gốc cây sanh này. Và còn đó, rất nhiều cụ đã từng hoạt động cách mạng, gắn bó với cây sanh - Miếu Ngọc, như: cụ Thái, cụ Huân, cụ Toàn, cụ Giá, cụ Viện, cụ Thế... Cũng nơi đây bao nhiêu trẻ thơ, qua bao thế hệ đã từng chơi các trò chơi dân gian vui nhộn dưới gốc cây sanh.

 

Một cây sanh cổ, với bao điều huyền thoại, được sự quan tâm của Ðảng, chính quyền, Hội Sinh vật cảnh các cấp sự chăm sóc và bảo vệ của nhân dân, ngày 19/5/2012 vừa qua, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Bình đã cấp bằng công nhận cây sanh - Miếu Ngọc, xã Quỳnh Hồng là cây cổ thụ của tỉnh. Ðây là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ được cấp bằng công nhận.

Bài, ảnh: Đức Dũng

 

(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Thành Ngự - Trưởng ban Quản lý di tích Miếu Ngọc)

 

  • Từ khóa