Thứ 7, 16/11/2024, 23:50[GMT+7]

Sức hấp dẫn từ sân khấu hóa tác phẩm văn học

Thứ 2, 16/12/2019 | 09:05:05
3,961 lượt xem
Hình thức dạy học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn thông qua việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học đã được nhiều trường học ở Thái Bình triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, thu hút học sinh bởi phương pháp này thể hiện rõ nét hơn ý tưởng của tác giả và ý nghĩa của từng tác phẩm văn học.

Học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan tái hiện một trích đoạn trong tác phẩm văn học.

Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, những năm gần đây, các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo hình thức “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” đã dần trở nên quen thuộc đối với học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Đông Hưng. Cô giáo Trần Thanh Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bắc Đông Quan chia sẻ: Ngữ văn là bộ môn mang đến cho học sinh nhiều kiến thức, giúp các em bồi đắp tình cảm tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Tuy nhiên, phương pháp dạy học truyền thống không thể truyền tải được hết ý nghĩa của từng tác phẩm, vì vậy, bên cạnh kế hoạch giảng dạy, tổ Ngữ văn đã có những đổi mới cách dạy bằng việc sân khấu hóa một số tác phẩm văn học đại diện cho từng giai đoạn. Tham gia hoạt động này, học sinh của từng lớp được lựa chọn những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình giảng dạy để nghiên cứu, chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa. Các em học sinh được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học, từ đó giúp các em có thể đồng sáng tạo với nhà văn và tạo ra sân chơi bổ ích cho mình, làm cho những tiết học văn thú vị, hấp dẫn hơn.


Tại Trường THPT Nam Đông Quan, việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đang được thực hiện nền nếp, hiệu quả. Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như Chí Phèo, Vợ nhặt, Tấm Cám, Số đỏ... đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Trực tiếp vào vai địa chủ trong một tác phẩm văn học, em Hoàng Đức Vượng, học sinh Trường THPT Nam Đông Quan chia sẻ: Theo em, sân khấu hóa các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, chúng em tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng. Cô giáo Lại Thị Thủy Ngân, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Nam Đông Quan cho biết: Qua những buổi sinh hoạt chuyên môn, các giáo viên trong tổ rất hào hứng với cách dạy trải nghiệm sáng tạo này. Chúng tôi tổ chức cho học sinh thành từng nhóm để “hóa thân” vào nhân vật trong các tác phẩm thuộc chương trình giảng dạy. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kỹ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học theo hình thức sân khấu đã thực sự tạo được hứng thú cho đại đa số học sinh để các em học tập có hiệu quả. Phương pháp học này cũng góp phần xây dựng ở các bạn học sinh thói quen đọc sách để hiểu tác phẩm nhiều hơn.


Thầy giáo Đặng Hoàn Kiếm, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông Quan cho biết: Việc triển khai dạy học theo hướng vận dụng trải nghiệm sáng tạo đã được tập thể giáo viên nhà trường thực hiện từ một số năm trở lại đây. Không chỉ riêng môn Ngữ văn, hầu hết các môn học đều được giáo viên đổi mới cách dạy nhằm nâng cao năng lực tiếp cận kiến thức cho học sinh. Hoạt động này đã đạt được hiệu quả tích cực như: giúp học sinh hào hứng, sôi nổi trong mỗi tiết học, chủ động tiếp nhận kiến thức, rèn luyện khả năng giao tiếp trước đám đông, tăng cường tinh thần đoàn kết và hiệu quả khi làm việc nhóm... Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các tiết học trải nghiệm nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tư duy và vận dụng kiến thức của học sinh. Bên cạnh đó, tạo sân chơi văn nghệ, thể thao, các hoạt động tập thể giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.


Hiện nay, việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học không chỉ được thực hiện trong các trường THPT, cấp THCS và tiểu học cũng đã có những tiếp cận bước đầu với phương pháp này. Theo cô giáo Trần Thanh Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bắc Đông Quan, không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà phương pháp mang lại song mỗi thầy cô giáo cần chọn những tác phẩm và trích đoạn phù hợp với lứa tuổi học sinh, bởi không phải nội dung nào cũng có thể thực hiện sân khấu hóa. Cần có ngưỡng an toàn để người dạy và người học không đi quá xa trong quá trình thăng hoa cùng nghệ thuật.


Đặng Anh

  • Từ khóa