Chùa Bút Tháp - Danh thắng nổi tiếng xứ Kinh Bắc
Theo lời sư trụ trì nơi đây: Bút Tháp là một ngôi chùa cổ, có tên chữ Hán là Ninh Phúc Thiền Tự, chùa còn có tên là Nhạn Tháp. Chùa toạ lạc ở xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc xưa, nay thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đến đời vua Tự Đức, chùa được đặt tên là Bút Tháp vì tháp Báo Nghiêm đặt ở trong khuôn viên chùa trông tựa như cây bút lông khổng lồ. Bao thế hệ người dân Bắc Ninh vẫn luôn tự hào lưu giữ và truyền tụng những câu ca dao khi nhắc về danh thắng này:
"Mênh mông biển lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững trăng vờn bóng cau
Một vùng phong cảnh trước sau
Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non"
Mặc dù là ngôi chùa cổ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nhưng đến nay các nhà sử học vẫn chưa xác định chính thức năm khởi dựng. Theo cuốn L'art vienamien tạm dịch là "Nghệ thuật Việt Nam" của một nhà nghiên cứu người Pháp xuất bản năm 1944 thì ngôi chùa có từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII hoặc XIV). Còn theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng nguyên năm 1297) đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen nhưng ngọn tháp này nay không còn nữa. Đến thế kỷ XVII, chùa nổi tiếng với sư trụ trì là Hoà thượng Chuyết Chuyết (1590-1644). Năm 1644, Hoà thượng Chuyết Chuyết viên tịch, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là học trò xuất sắc của ông-Thiền sư Minh Hành. Vào thời gian này, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc rời bỏ cung về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên xin với Chúa Trịnh Tráng bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647 chùa mới được làm xong có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự". Sau đó, chùa tiếp tục được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921 và gần đây là đợt có quy mô lớn vào các năm 1992-1996.
Bút Tháp được đánh giá là một trong số ít những ngôi chùa cổ cơ bản được lưu giữ nguyên vẹn ở Việt Nam. Người xưa đã kết hợp cảnh quan của cả vùng với kiến trúc của ngôi chùa tạo nên sự hoà hợp rất tự nhiên. Bên trái chùa có dòng sông Đuống, trước cửa chùa là đồng ruộng mênh mông, xa xa ở phía trái và phía phải chùa có núi Tam Đảo, núi Phật Tích bao bọc. Chùa không vươn lên theo chiều cao mà các đơn nguyên kiến trúc đều được trải dài theo và đứng trước sự mênh mông của đồng ruộng thì quy mô to lớn của nó không còn mà cái đọng lại là ý nghĩa tâm linh của ngôi chùa: "Không có gì cao hơn Phật pháp".
Cụm kiến trúc trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên: mọi người bắt đầu vào thăm chùa từ nhà Tam quan, sau đó đi tới Gác chuông là một toà nhà gồm 2 tầng-8 mái, tầng 2 treo quả chuông cao 152cm, đúc từ thời Gia Long thứ 14. Đi tiếp, nếu nhìn qua hai bên sẽ thấy 2 con rùa đội trên lưng 2 tấm bia đá có khắc chữ từ năm 1647, bên trái khắc “Sắc kiến Ninh Phúc Tự bi ký”, bên phải khắc “Ninh Phúc Thiền Tự tam bảo tế tự điền bi”.
Bước qua nhà Tiền đường, nhà Thiên hương, tới Thượng điện, đây cũng là toà nhà quan trọng nhất của chùa Bút Tháp có điểm nền cao nhất, dài 19m, rộng 10m60 gồm 5 gian, 24 cột lớn. Ngự ở giữa toà nhà là Phật tam thế, ngự bên phải là Phật Thiên thủ Thiên nhãn mà dân gian vẫn quen gọi là Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay. Ngự bên trái là tượng Phật Tuyết Sơn. Hành lang xung quanh Thượng điện có 26 bức chạm khắc bằng đá xanh các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa lá rất sinh động, hấp dẫn. Nối giữa Thượng điện và Thích thiện am (một ngôi nhà có ba tầng mái) là chiếc cầu đá cong bắc ngang qua hồ nước trồng sen tinh khiết, trên đó có 12 bức phù điêu đá chạm khắc chim muông, hoa lá rất công phu, tinh xảo, mang đậm nghệ thuật thiền.
Tiếp đến là nhà Trung hay còn lại là nhà khách-nơi hội họp của các chư tăng, sau đó đến Phủ thờ thờ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ và Thái tử Lê Đình Tứ. Cuối cùng là nhà Hậu đường dài 13 gian là nơi thờ Đạo Mẫu, có đủ 8 toà thánh mẫu với tứ phủ và tứ vị ở 2 bên và các vị sư trụ trì nối tiếp nhau. Ngoài ra, phía sau Hậu đường là 3 ngôi tháp làm bằng đá.
Trong chùa Bút Tháp hiện nay còn lưu giữ rất nhiều cổ vật: bia đá, lô nhang, am thờ, án giao. Điều đặc biệt nữa là chùa có một hệ thống tượng dựng rất phong phú, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên tắc tượng Phật giáo với phong cách truyền thống rất sáng tạo để tạo ra dáng vẻ riêng, song đã đạt tới giá trị nghệ thuật rất cao. Tất cả những pho tượng ở đây đều là những chân dung hoàn chỉnh nhất và được xem là khuôn mẫu tạo hình cho giai đoạn sau. Tiêu biểu như bộ tượng Tam thế, tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn, tượng Quan âm toạ sơn, tượng Văn thù, Phổ Hiền Bồ tát, tượng Thị giả, tượng 18 vị La Hán....; các pho tượng hậu bằng gỗ như tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, tượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ. Trong đó, pho tượng nổi tiếng Quan âm nghìn mắt nghìn tay do Trương Thọ Nam tạc và hoàn thành vào năm 1656 được giới nghiên cứu xem như là khuôn mẫu của tượng Phật giáo Việt Nam. ở trong Thích thiện am của chùa Bút Tháp còn có tháp quay Cửu phẩm liên hoa (tháp hoa sen chín tầng) đẹp nhất nước được dựng năm 1691.
Tháp cao 9 tầng như 9 đài sen, 8 mặt đều đặn thể hiện 8 phương của nhà Phật, ngăn cách các tầng là một bức trạm gỗ cánh sen nở xoà bốn phía, đầu nhọn khối nổi phồng. Nó có thể quay và không hề phát ra tiếng kêu dù đã được làm cách đây mấy thế kỷ, mỗi vòng quay của tháp tương ứng với 3.542.400 câu niệm Phật. Bên cạnh đó, tháp Báo Nghiêm cũng là một trong những kiến trúc tiêu biểu của chùa. Tháp Báo Nghiêm thờ Hoà thượng Chuyết Chuyết, trông giống như cây bút khổng lồ vươn thẳng tới trời cao. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, ngoài tầng đáy rộng hơn, 4 tầng trên giống nhau, rộng 2m. 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoanh tròn đường kính 2,29m. Ngoài kỹ thuật xây dựng bằng đá, phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can. Riêng ở tầng cuối cùng của toà tháp này có 13 bức trạm đá lấy đề tài chủ yếu là các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về lịch sử, nghệ thuật, năm 1962 chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và hiện tại chùa cũng là điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn thu hút nhiều khách trong và ngoài nước ghé thăm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy