Thứ 2, 18/11/2024, 09:21[GMT+7]

Một gia đình đam mê nghệ thuật

Thứ 6, 06/07/2012 | 16:08:08
2,467 lượt xem
Đôi vợ chồng có tâm hồn nghệ sỹ ấy đã gắn bó với nghệ thuật quá nửa đời người. Tính đến ông Phạm Thọ Cách là đời thứ 4, còn bà Thơ là đời thứ 2 tiếp nối truyền thống dòng họ, gia đình làm nghệ thuật. Vượt qua khó khăn, bằng sự đồng cảm tiếp tục nuôi dưỡng, gắn bó họ bao năm qua, thêm ngọt tiếng đàn, ngọt giọng để đem tiếng hát tới phục vụ bà con khu phố, tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, các câu lạc bộ trong ngoài tỉnh Thái Bình.

Hai vợ chồng ông Cách trong một buổi hát chầu văn

Thanh âm tiếng sáo trong trẻo, da diết phát ra từ ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm nơi cuối ngõ tổ dân phố Minh Tân 1 (Thị trấn Vũ Thư) khiến hành trình tìm địa chỉ nhân vật bài viết này trở nên dễ dàng hơn với chúng tôi. Sau ít phút gọi cửa, chủ ngôi nhà - bà Phạm Thị Thơ nhanh chóng ra đón khách bằng nụ cười thật tươi và câu nói rất nghệ sỹ: “Trời chợt nắng, chợt mưa nên hai vợ chồng đàn hát cho đỡ buồn ấy mà”.

Đôi vợ chồng có tâm hồn nghệ sỹ ấy đã  gắn bó với nghệ thuật quá nửa đời người. Tính đến ông Phạm Thọ Cách là đời thứ 4, còn bà Thơ là đời thứ 2 tiếp nối truyền thống dòng họ, gia đình làm nghệ thuật. Khi đất nước có chiến tranh, họ đem nhiệt huyết tuổi thanh xuân với lời ca, tiếng hát phục vụ quân đội. Ký ức trong ông bà về thời máu lửa ấy là những ngày đêm ròng rã đẩy xe bò đi phục vụ trận địa pháo hay đơn vị trực chiến. Bà Thơ kể: “Có lần, chúng tôi vừa hát vừa khóc khi biểu diễn phục vụ anh em tù chính trị ra an dưỡng tại Đoàn 153. Nhìn anh em thân thể gầy gò thương tích, có người không còn mắt, người mất cả tay chân thật khó cầm nước mắt.”

Giữa khói lửa chiến tranh, chàng nhạc công đoàn chèo và cô gái văn công Trung đoàn 153, Tỉnh đội Thái Bình càng gắn bó, lớn dần thành tình yêu rồi đơm hoa, kết quả ngay sau khi đất nước hòa bình. Sự đồng cảm tiếp tục nuôi dưỡng, gắn bó họ bao năm qua, thêm ngọt tiếng đàn, ngọt giọng hát phục vụ bà con khu phố, tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, các câu lạc bộ trong ngoài tỉnh. Phải quyết tâm và yêu nghề lắm hai vợ chồng mới vượt qua  những khó khăn của cuộc sống mưu sinh thường nhật. Thành công nhất của ông bà là thể loại hát chầu văn – lễ nhạc của tín ngưỡng tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Tuy vậy, cũng có khi điêu đứng và bị coi rẻ cùng đám ông đồng, bà cốt vì người đời chưa hiểu hết, hoặc có người làm méo mó loại hình nghệ thuật này. Nhưng với cái tâm trong sáng và hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, cùng với sự đổi thay của ngành văn hóa trong giữ gìn, khôi phục vốn cổ văn hóa dân gian, họ dần tìm được công chúng yêu chuộng. Ông bà được mời tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ lớn như Liên hoan tiếng hát làng Sen năm 1995, Liên hoan tổ đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới và biển lần thứ 5, Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc, Liên hoan đàn và hát dân ca toàn quốc lần thứ 3 tại Huế vào năm 2001. Gần đây nhất là đợt biểu diễn cùng câu lạc bộ Hát Văn toàn quốc…

Ông bà bảo hát văn hay chầu văn, hát bóng ca từ chau chuốt, sử dụng nhiều làn điệu, lối hát và thường đảo phách. Âm nhạc mang tính tâm linh, phục vụ cho các giá chầu kéo dài 7- 9 tiếng, nên phải hát cho có hồn, có thần. Để phụ họa, bà hát ngay một giá đồng tâm đắc: “Ai về thăm tỉnh Thái Bình; Ghé thăm di tích Động Đình đức vua cha; Có ai lên tới huyện Duyên Hà...” Đứa cháu nội mới 3 tuổi cũng hào hứng múa tay theo. Niềm vui và tự hào ánh lên trong khóe mắt đôi vợ chồng nghệ sỹ. Chúng tôi chợt hiểu, phần thưởng lớn nhất của họ không chỉ là những tấm bằng khen, giấy khen mà chính bởi ngọn lửa nghệ thuật họ ươm đã nảy mầm trong tâm hồn con cháu. Có phải vì thế mà  cả ba người con của ông bà đều mang tên các nốt nhạc: Phạm La Thứ, Phạm Pha My, Phạm Pha Mý, đứa cháu nội là Phạm La Thăng. Ngoài sự dìu dắt của cha mẹ, họ được theo học các trường văn hóa văn nghệ, khi ra trường đều sống được với nghề. Người con trai Phạm La Thứ tâm sự: “Từ nhỏ, ba anh em thường rất thích thú khi nghe cha mẹ hát dân ca, chèo, rồi được dạy sử dụng một số nhạc cụ truyền thống. Sau này nếu con cái yêu thích và có năng khiếu thì tôi vẫn hướng chúng theo nghiệp ông cha”.

Nếu cả gia đình ông bà Cách, Thơ quây quần,  thì có thể cùng chơi nhiều loại nhạc cụ như một giàn nhạc hòa tấu với đầy đủ bộ gõ, bộ hơi, bộ dây, bộ lắc. Ngay gian phòng khách tầng 1, treo bên cạnh những Huân chương kháng chiến chống Mỹ của hai ông bà là nhiều loại trống, sáo, đàn, chuông. Hàng năm, vào tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, nhiều người bạn của ông bà đam mê nghệ thuật đàn ca truyền thống trong tỉnh lại tìm về đây để học hát và chơi các nhạc cụ đó. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người, nhiều lứa tuổi muốn theo học nhạc cụ dân tộc, học hát chầu văn, xin làm học trò của ông bà. Vì thế, ông bà có thêm nhiều bạn tri âm, tiếng đàn, lời ca thêm bay bổng, chắp cánh cho những đam mê sâu lắng như nguồn mạch suối ngầm.

Hà Thanh

(Đài PT Vũ Thư)


    

  • Từ khóa