Chủ nhật, 24/11/2024, 00:01[GMT+7]

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sau đại dịch (Kỳ 2)

Thứ 6, 19/06/2020 | 09:52:51
4,658 lượt xem
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp, từ đó góp phần hỗ trợ, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

Kỳ 2: Tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Ngay từ những ngày đầu khi xuất hiện dịch Covid-19 ở trong nước và ảnh hưởng của dịch tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp đến thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua nắm bắt những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở một số doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh biểu dương các doanh nghiệp đã tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ, đó là vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới, năng động trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giữ vững quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chân khách hàng truyền thống, từng bước nghiên cứu, xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường mới góp phần lan tỏa thương hiệu, uy tín của sản phẩm và của doanh nghiệp, nỗ lực hơn nữa trong ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tiền Hải; làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, trên cơ sở đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Qua kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở đã kịp thời cập nhật, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham mưu UBND tỉnh và đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó tập trung các vấn đề vướng mắc về nguồn nguyên liệu, nhân lực sản xuất, thị trường đầu ra, chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Sở Công Thương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 thực hiện các thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ đặc biệt là các ưu đãi về thuế, vốn vay ngân hàng cũng như Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh về triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong tháng 5/2020, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê chuẩn miễn/giảm 23 loại phí, lệ phí trong 3 tháng hoặc đến hết năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: miễn lệ phí cấp giấy phép xây dựng, lệ phí đăng ký kinh doanh; giảm 50% phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết... 

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, cắt giảm từ 50 - 70% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tín dụng, đất đai. Nhằm tạo thêm một bước đột phá trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Bộ chỉ số DDCI có 8 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò của người đứng đầu. Đây được coi là công cụ hữu hiệu để UBND tỉnh đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các sở, ngành, huyện, thành phố, từ đó chỉ đạo kịp thời, hiệu quả việc thực hiện, xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh. 

Theo các doanh nghiệp, Bộ chỉ số DDCI được triển khai thực hiện sẽ tạo hiệu ứng mạnh, thay đổi phong cách làm việc, năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương và của cả cấp tỉnh trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển, hội nhập thành công thời gian tới.

Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

Đến hết ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.600 doanh nghiệp đang quan hệ vay vốn, thanh toán với các tổ chức tín dụng với dư nợ cho vay đạt 24.156 tỷ đồng, trong đó có gần 1.500 doanh nghiệp vừa quan hệ tín dụng, vừa quan hệ thanh toán. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như: giảm lãi suất cho vay mới từ 0,7 - 1,5%/năm, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc đối với người lao động... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và một số tổ chức tín dụng còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý những khó khăn, vướng mắc cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, đến hết tháng 5/2020 có 36 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đạt 234,5 tỷ đồng; đồng thời, 196 doanh nghiệp được vay mới với lãi suất giảm từ 0,7 - 1,5%/năm với doanh số đã giải ngân kể từ ngày 23/1/2020 đạt 4.657,75 tỷ đồng.

Ông Phan Hồng Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Cục Thuế tỉnh hiện đã cấp mã số thuế cho gần 10.400 doanh nghiệp, chi nhánh, trong đó có hơn 5.700 doanh nghiệp đang hoạt động. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ cuối tháng 3 và trong tháng 4/2020, ngành Thuế dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trừ các doanh nghiệp hoàn thuế thuộc diện kiểm tra và trong tháng 5/2020; chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp có đề nghị nhưng phải nằm trong kế hoạch của ngành Thuế; đồng thời, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giao dịch thuế điện tử như: kê khai thuế, đề nghị hoàn thuế, nộp thuế, hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh còn tích cực chỉ đạo chi cục thuế các huyện và các chi cục thuế khu vực tích cực tuyên truyền, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, toàn ngành đã nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của hơn 630 doanh nghiệp với số tiền đề nghị gia hạn hơn 148 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã vươn lên 4 bậc so với năm 2018. Việc UBND tỉnh cho triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI thể hiện quyết tâm của tỉnh trong tiếp tục nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới và quan trọng hơn cả là sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Thái Bình hợp tác phát triển. Tôi tin tưởng rằng, với những giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sẽ có những điều kiện thuận lợi để đầu tư, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.


(còn nữa)

Minh Hương - Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày