Thứ 5, 14/11/2024, 23:29[GMT+7]

Nhiều người dân vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch

Thứ 2, 24/08/2020 | 08:39:19
2,404 lượt xem
Trong đợt dịch Covid-19 lần này, các ổ dịch lớn trong nước đều xuất phát từ những nơi đông người như bệnh viện, nhà hàng, quán ăn. Một số địa phương lân cận như Hải Dương, Hà Nội những ngày qua đang nỗ lực tìm kiếm F0 bởi nhiều ca mắc mới Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng.

Quán nhậu, quán nước vỉa hè - nơi nhiều người vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch. Ảnh chụp ngày 19/8/2020 tại đường Phan Bội Châu, thành phố Thái Bình.

Trong khi chính quyền các cấp, các ngành đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch thì không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa chủ động thực hiện những biện pháp phòng dịch cần thiết để bảo vệ chính bản thân mình.

Buổi tối, dạo quanh thành phố Thái Bình, nhiều quán nhậu, quán nước... vẫn sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh. Những dãy bàn kê sát để tận dụng khoảng không gian hẹp. Không có bất cứ biện pháp phòng, chống dịch nào được áp dụng. Câu hỏi đặt ra là nếu như trong những người trong quán vô tình có một người đã từng có tiếp xúc với người mắc Covid-19 hoặc đang mang trong mình vi-rút SARS-CoV-2 thì điều gì sẽ xảy ra? Quán có thể trở thành 1 ổ dịch tương tự như nhà hàng thế giới bò tươi (Hải Dương) hay không? 

“Báo, đài và cả hệ thống truyền thanh ngày nào cũng phát thông tin, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 mà chiều nào tôi đi qua các quán nhậu cũng cảm thấy như chưa có dịch. Tôi thấy mọi người chủ quan quá” - chị N.T.H, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình chia sẻ.

Không chỉ có các quán nhậu, dạo quanh một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố vẫn có tình trạng tiểu thương không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách mua hàng. Khi được hỏi về việc có thể lây nhiễm dịch bệnh, một tiểu thương cho biết, do buôn bán ngay sát lòng đường, xe cộ đi lại ồn ã nên nếu không nói to, khách sẽ khó nghe thấy, trong khi đó, khi nói chuyện, cảm thấy việc đeo khẩu trang “khá vướng”. Một tiểu thương khác thì chia sẻ, cả ngày đã đeo khẩu trang nên bỏ ra cho đỡ khó chịu. Như vậy có thể thấy ý thức chủ động phòng, chống dịch của không ít người dân vẫn còn rất hạn chế.

Ngày 18/8, Bộ Y tế đã ra Công văn số 4393 về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Một trong những yêu cầu được đặt ra là dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú. Có thể thấy, trong thời điểm một số bệnh viện trên cả nước đã bị phong tỏa để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong bệnh viện, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ bệnh viện ra cộng đồng. Tuy nhiên, tại Thái Bình, điều đáng lo ngại là vẫn còn xuất hiện những quán trà đá vỉa hè ngay trước cổng một số bệnh viện để phục vụ nhu cầu giải khát của người nhà bệnh nhân, thậm chí cả bệnh nhân, tồn tại ngay dưới những tấm biển “Khu vực cấm bán hàng”. Chưa kể đến việc những hàng quán này khó có thể đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm thì khoảng cách tiếp xúc gần khiến các quán trà đá vỉa hè trở thành địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao nếu có trường hợp mắc Covid-19. Ngoài ra, một vật dụng thường được nhiều khách ưa chuộng tại các quán trà đá vỉa hè là điếu cày dùng để hút thuốc lào. Đây cũng là vật dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch do khách hàng thường thay phiên nhau sử dụng. 

“Tôi hút thuốc lâu rồi không bỏ được, nghe tin có dịch bệnh cũng lo nhưng ngồi quán nước không có thuốc lào cũng khó chịu lắm” - anh T.T.D ở thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà), hiện đang chăm sóc người nhà nằm viện phân bua.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lần này dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Nếu như trong đợt dịch lần trước cả nước chỉ có khoảng 40 ổ dịch thì lần này cả nước đã có khoảng 150 ổ dịch tính đến chiều ngày 19/8. Điều này cho thấy nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là chủng vi rút gây nên đợt dịch Covid-19 lần này có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Nhiều ca F2 bị lây nhiễm; lịch sử di chuyển của một số ca mắc bệnh vô cùng phức tạp... Ví dụ ở Đà Nẵng, chỉ sau gần 10 ngày có dịch, số ca lây nhiễm đã gấp 15 - 16 lần so với Hà Nội ở giai đoạn trước.  

Thời điểm này, khi chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc trị thì việc phòng, tránh lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, các chuyên gia y tế đều nhận định: Hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, tự giác tuân thủ các quy định về khai báo y tế, cách ly chính là biện pháp tốt để phòng, chống dịch Covid-19 cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc một bộ phận người dân còn chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo trong cộng đồng.


Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày