Thứ 6, 15/11/2024, 05:01[GMT+7]

Giải pháp để lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn (Kỳ III)

Thứ 5, 07/01/2021 | 08:27:55
3,394 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 toàn tỉnh có 4 huyện (Đông Hưng, Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương) bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Năm 2020 vẫn còn một huyện bị dừng là Tiền Hải. Vì vậy, để không còn địa phương nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

Kỳ III: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Những năm qua, Vũ Thư là huyện có số người đi XKLĐ đông nhất tỉnh. Theo số liệu tổng hợp từ năm 2010 - 2019, toàn huyện có trên 4.500 người đi XKLĐ tại các nước, trong đó đi Hàn Quốc chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, về số lượng lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc Vũ Thư luôn đứng đầu tỉnh. Đây chính là nguyên nhân trong nhiều năm huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc. 

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để người lao động cũng như người thân của họ chấp hành nghiêm các quy định của hợp đồng lao động, hàng năm UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, thậm chí tranh thủ sự tác động của dòng họ để người lao động và thân nhân người lao động thấy được trách nhiệm của họ đối với địa phương và xã hội. Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết với các gia đình có con em làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn quy định. Nỗ lực tuyên truyền, vận động đã giúp nhiều gia đình thay đổi nhận thức, từ đó vận động người thân về nước đúng hạn. Năm 2013 có 73 lao động, năm 2014 có 20 lao động về nước. Năm 2020, sau nhiều năm phải tạm dừng tuyển dụng lao động, Vũ Thư đã được tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc trở lại do có số lao động cư trú bất hợp pháp thấp hơn so với quy định.

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp: tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn đến các địa phương và gia đình người lao động; thành lập tổ công tác cấp tỉnh, huyện tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động gia đình người thân của người lao động ở những huyện, xã có tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc đang bị xem xét tạm dừng; đề nghị các gia đình ký cam kết vận động người thân của họ về nước đúng hạn. Nhờ đó, nhiều gia đình đã nhận thức được vấn đề và kêu gọi người thân về nước đúng hạn. Kết quả từ năm 2015 đến nay Thái Bình đã có 500 lao động cư trú bất hợp pháp về nước.

Hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi hợp đồng lao động hết hạn

Một trong những nguyên nhân khiến người lao động sau khi hết hạn không trở về nước đó là tâm lý lo sợ không thi đỗ tiếng Hàn trong các kỳ thi tuyển để trở lại Hàn Quốc làm việc và vấn đề tìm việc làm phù hợp với ngành nghề sau khi về nước. 

Về vấn đề này, những năm qua, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, đơn vị được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao tổ chức tư vấn, giới thiệu và đào tạo tiếng Hàn cho người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ sang Hàn Quốc, hàng năm Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo, ôn luyện tiếng Hàn, hướng dẫn người lao động có nhu cầu tham gia lần đầu và lao động sau khi hết hạn về nước có nhu cầu trở lại Hàn Quốc làm việc dự thi theo kế hoạch. 

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm cho biết, với người lao động hiện nay đang làm việc tại Hàn Quốc sắp đến hạn trở về nước hoàn toàn yên tâm khi về nước được Trung tâm tiếp tục tư vấn và tổ chức các lớp ôn luyện để người lao động có được kiến thức tiếng Hàn đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức. 

Theo thống kê, hàng năm số lao động sau khi hết hạn trở về nước có nhu cầu tiếp tục sang Hàn Quốc thi đỗ khoảng trên 80%. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho 370 lao động mới trúng tuyển, 227 lao động mẫu mực, 401 lao động về nước đúng hạn có nhu cầu trở lại Hàn Quốc làm việc được. Đối với lao động không có nhu cầu trở lại Hàn Quốc làm việc, nếu có nhu cầu tìm việc tại tỉnh phù hợp với ngành nghề, hàng tháng Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình đều tổ chức sàn giao dịch việc làm tư vấn, giới thiệu cho người lao động đến tìm hiểu và lựa chọn. Trung tâm sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm, giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc tại Thái Bình để đáp ứng nhu cầu cho người lao động. Rất nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp với mức lương ổn định.

Cùng với tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và tạo việc làm cho người lao động, để giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, theo ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố để giao chỉ tiêu trên cơ sở những lao động ở các địa bàn sắp hết hạn hợp đồng sẽ được Sở thông báo để huyện biết danh sách và công khai danh sách tại các địa phương để thân nhân người lao động vận động con em họ về nước đúng hạn. Đồng thời, tăng cường công tác xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật. Có như vậy thì uy tín và hình ảnh của thị trường lao động của Việt Nam mới được nâng lên không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.


Ông Lee Jae Guk, Tùy viên lao động và việc làm, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam
Phía Hàn Quốc sẽ tăng cường xử phạt chủ lao động vẫn đang sử dụng người lao động cư trú bất hợp pháp cũng như tổ chức truy quét người lao động bất hợp pháp. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam đưa ra chính sách mạnh mẽ là nộp tiền ký quỹ 100 triệu đồng và tạm dừng tuyển chọn ở huyện có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao. Đối với lao động sắp hết hạn hợp đồng, chúng tôi đang nghiên cứu sẽ đào tạo nghề cho họ và hỗ trợ xin việc tại các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG... tại Việt Nam.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Trước khi người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo, giáo dục nhận thức và bồi dưỡng kiến thức để người lao động ý thức được trách nhiệm của mình. Khi người lao động có tay nghề cao và có trách nhiệm cao thì họ sẽ gắn kết với công việc và phù hợp với công việc, đồng nghĩa với việc họ sẽ không tìm công việc mới và không bỏ trốn ra ngoài.

Ông Phí Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn để nâng cao nhận thức cho thân nhân người lao động để họ vận động con em chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về chế tài, biện pháp xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với những lao động cố tình ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cùng với đó, Sở triển khai các chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày