Thứ 6, 15/11/2024, 05:17[GMT+7]

Tất bật thu hoạch cá chép đỏ phục vụ tết ông Công, ông Táo

Thứ 2, 01/02/2021 | 08:35:10
3,354 lượt xem
Trong đời sống văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo công việc năm qua ở hạ giới. Vào ngày này, người dân thường cúng tiễn ông Công, ông Táo bằng cá chép đỏ. Vì vậy, hiện nay các hộ nuôi cá chép đỏ đang tất bật thu hoạch cá để kịp phục vụ tết ông Công, ông Táo.

Đến xã Vũ Đoài (Vũ Thư) những ngày này, từ đầu làng tới cuối xóm đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật bơm nước, tát ao, thả lưới bắt cá; nhiều ô tô, xe máy của thương lái ra vào tấp nập thu mua cá chép đỏ mang đi phục vụ nhu cầu người dân cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. 

Tại gia đình ông Phạm Xuân Doanh ở thôn 2, những mẻ cá chép đỏ rực rỡ đang được thương lái thu mua chuyển lên thùng xe tải. Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt khi năm nay nuôi cá chép đỏ được mùa, được giá, ông Doanh chia sẻ: Nhà tôi có 7 sào ao, đầu năm thả cá trắm, cá trôi và nuôi thêm các cặp cá chép đỏ bố mẹ để gây giống, đến tháng 7 âm lịch thì bắt đầu thả đại trà 3 vạn cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh. Đến thời điểm thu hoạch cá đạt trọng lượng trung bình 25 con/kg, được thương lái thu mua toàn bộ với giá 60.000 đồng/kg. Với hơn 1 tấn cá, sau khi trừ hết chi phí cho lãi khoảng 50 triệu đồng.

Cũng tại 3 sào ao nuôi cá chép đỏ của gia đình ông Đồng Sĩ Huân ở thôn 9, nhiều thương lái đang xem và đặt cọc mua cá. Ông Huân cho biết: Năm nay tôi thả 6.000 con cá chép đỏ giống, dự kiến cho thu hoạch hơn 2 tạ cá phục vụ dịp tết ông Công, ông Táo. Hiện đã có một số thương lái trong tỉnh đến đặt mua với giá 70.000 đồng/kg. Đây chủ yếu là những thương lái thu mua để bán lẻ trong tỉnh nên ngày 20 âm lịch tôi sẽ tát ao kéo lưới bắt cá để thương lái kịp mang đi phục vụ nhu cầu của người dân.

Với lợi thế là xã duyên giang, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, cá chép đỏ ở xã Vũ Đoài có màu sắc đỏ tươi, vảy đều óng ánh và sức đề kháng tốt nên được nhiều thương lái ở các tỉnh, thành khác tìm đến thu mua. Anh Phạm Đăng Khê, thương lái ở tỉnh Hà Nam cho biết: Ngay đầu tháng Chạp âm lịch, tôi đã gọi điện cho chủ hộ để đặt hàng, từ ngày 15 đến ngày 20 âm lịch, chủ hộ kéo lưới, tôi đến thu mua, vận chuyển và mang đi tiêu thụ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.

Thương lái thu mua cá chép đỏ mang đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.

Xã Vũ Đoài hiện có gần 100ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với khu chuyển đổi tập trung khoảng 34ha, còn lại là diện tích nuôi xen kẽ trong khu dân cư. Cùng với nuôi các giống cá truyền thống, nhiều hộ nuôi xen kẽ cá chép đỏ để phục vụ tết ông Công, ông Táo. So với các giống cá truyền thống thì nuôi cá chép đỏ có nhiều ưu thế hơn như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, thức ăn đơn giản, ít tốn kém, thời gian nuôi ngắn nên nhanh cho thu hoạch. Tùy vào nhu cầu thị trường hàng năm mà cá chép đỏ có giá bán từ 40.000 - 90.000 đồng/kg, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với cá truyền thống. 

Ông Nguyễn Phong Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài cho biết: Xã có truyền thống nuôi cá chép đỏ từ nhiều năm nay nên nhiều gia đình đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, con giống, thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất. Cá chép đỏ sau khi thu hoạch không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn được các thương lái thu mua mang đi phục vụ thị trường các tỉnh lân cận như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Nghề nuôi cá chép đỏ ở xã Vũ Đoài không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày