Thứ 6, 15/11/2024, 08:56[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 5, 01/04/2021 | 08:32:44
4,108 lượt xem
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát. Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào địa bàn, thành phố Thái Bình đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) phun thuốc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Thành phố có trên 300 trang trại, gia trại và gần 2.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn trên 7.000 con, đàn gia cầm gần 194.000 con và đàn trâu, bò gần 900 con. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương phối hợp khoanh vùng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống không để lây lan thành dịch. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng hóa chất hoặc vôi bột. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi; thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức ký cam kết, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách ly, quản lý bò bệnh, không bán chạy, giết mổ bò bệnh. Thực hiện vệ sinh, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc diệt côn trùng và mầm bệnh bên ngoài. Đồng thời, triển khai tổ chức đồng loạt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng từ ngày 10/3 đến ngày 10/4 và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt đại trà từ ngày 15/3 đến ngày 5/4. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 65%. Thành phố đã cấp phát gần 34 lít hóa chất và gần 500kg vôi bột để các địa phương phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Xã Tân Bình là một trong những địa phương của thành phố có tổng đàn lợn lớn, với trên 2.300 con, tập trung tại 1 trang trại trên 2.100 con, số còn lại phân tán ở khoảng 7 hộ nuôi; đàn trâu, bò có 27 hộ nuôi với 130 con. Đầu tháng 3 vừa qua, xã đã phát hiện bệnh viêm da nổi cục ở 2 hộ với 9 con bò, bê bị bệnh. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương án xử lý dịch bệnh bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Cán bộ thú y thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình với người chăn nuôi; đến từng hộ tuyên truyền bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phát tờ rơi, hướng dẫn nhận biết dịch bệnh, triệu chứng bệnh tích, cách xử lý. Tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại khu vực xung quanh hộ có bò ốm và 2 thôn Tú Linh, Đồng Thanh, nhất là hai bên ven đường quốc lộ. Quản lý chặt chẽ bò bệnh, không bán chạy, giết mổ, không đưa ra bãi chăn thả chung. Hướng dẫn các hộ có bò bệnh tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng, hạ sốt cho vật nuôi; tiêm kháng sinh chống viêm nhiễm các vết lở. Đến nay, số bò bị bệnh đã khỏi. 

Xác định tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho vật nuôi, vì vậy xã Tân Bình đang tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/4. Đồng thời tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt gia súc, qua đó kịp thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người. 

Ông Nguyễn Đức Thùy, thôn Tú Linh chia sẻ:  Gia đình tôi nuôi 11 con bò, để chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, tôi đã vệ sinh, dọn dẹp lại khuôn viên chuồng trại, sân vườn, phun thuốc khử trùng, bổ sung thêm vitamin, chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi.

Để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, nhất là việc vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu tình trạng dịch bệnh trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày