Chủ nhật, 10/11/2024, 05:37[GMT+7]

Trường Sa hôm nay

Thứ 7, 21/01/2023 | 23:13:50
4,383 lượt xem


9 giờ ngày 29/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng thuộc Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trường Sa sau ngày giải phóng 

48 năm trôi qua, mỗi lần nhắc đến, ánh mắt của những lính đầu tiên ra giải phóng Trường Sa không khỏi rưng rưng xúc động. Những ngày đầu đặt chân đến nơi đây, đảo vẫn còn rất hoang sơ, ít cây cối, nhưng hải âu, mòng biển, ó biển... thì nhiều vô số, gặp người chúng chẳng buồn bay. Chim biển đẻ trứng dày đặc trong lớp cỏ, bãi cát. Bộ đội đi tuần quanh đảo không còn chỗ đặt chân, nếu không lại phải giẫm lên trứng và chim non mới nở. Trường Sa Lớn cây sâm đất có khá nhiều, mọc kín cả đảo. Nam Yết có dừa, bàng vuông. An Bang, Sinh Tồn gần như không có cây cối. Đảo An Bang chim ó biển, vích rất nhiều, chúng đẻ trứng ngay trên các bãi cát. Trên đảo Song Tử Tây có mười cây dừa và vô số cây dại. Các công trình trên các đảo chủ yếu là hầm, công sự phủ cát, gác tôn, mặt đất dày đặc phân chim... Ngày ấy, thức ăn của bộ đội ngoài khẩu phần lương khô còn cải thiện thêm đủ loại hải sản, rong biển, trứng chim. Nước ngọt được ví quý như máu. Thiếu rau xanh và nước ngọt khiến nhiều người cảm thấy cồn cào nhớ đất liền.

Huyện Trường Sa bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế biển, có trữ lượng nguồn tài nguyên khá lớn, phong phú, đa dạng như trữ lượng hải sản, năng lượng biển... Do vậy, ngay từ những ngày đầu giải phóng, ta đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, củng cố các đảo. Để có được một thế đứng Trường Sa hôm nay, có rất nhiều lớp người đã đổ máu xương, mồ hôi, công sức. Những người lính Trung đoàn công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83) nhiều năm làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Hàng trăm tốp công binh và các lực lượng ra đảo cắm mốc chủ quyền, xây dựng đảo chìm, các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội. Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, lính công binh cho tập kết vật liệu lên các đảo, thời gian các tháng còn lại thời tiết khắc nghiệt do áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc gây khó khăn cho việc vận chuyển. Việc xây dựng các công trình trên đảo trong điều kiện thời tiết sóng gió khắc nghiệt, quá trình thi công phụ thuộc vào con nước thủy triều, thi công các hạng mục dưới nước đặc biệt là nước biển gặp vô vàn khó khăn. Tàu vận tải không thể áp sát bờ, vật liệu chuyển từ tàu vào đảo chỉ có xuồng và đôi vai người lính. Lính công binh, quần cộc, đầu trần, chân đạp đá san hô sắc nhọn, vác đá bầm vai xây kè chắn sóng. Bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của những người lính, có rất nhiều con người tâm huyết gắn bó, đóng góp sức mình cho diện mạo mới ở Trường Sa. 

Anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch đầu tiên của xã đảo Sinh Tồn cho biết: Tôi có 5 năm gắn bó với đảo, vừa đảm nhiệm công tác chính quyền vừa là thầy giáo và cũng là một người lính bảo vệ đảo. Nhìn gương mặt khắc khổ, nước da đen cháy, mái tóc xơ cứng mới hiểu hết nỗi vất vả không thể kể hết về anh. 

Chị Hoàng Thị Lệ Hà, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa là người có gần mười năm gắn bó với Trường Sa. Từ năm 2013, sau chuyến đi Trường Sa, chị luôn trăn trở cần phải làm những việc thiết thực hơn để góp phần vơi bớt khó khăn cho quân và dân ngoài đó. Như một nhịp cầu chị đã kết nối một số tỉnh, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp những món quà thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ các đảo huyện Trường Sa. Chị cũng chính là người có công trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây, vật nuôi đưa ra trồng thành công ngoài Trường Sa: vịt biển, máy ấp trứng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi trên diện tích nhỏ, con giống thiếu, cung cấp con giống tại chỗ; vịt biển sống kiếm ăn được trên nước mặn. Cây tra, phi lao, hoàng yến, chùm ngây, đậu biếc... đã được lần lượt đưa ra Trường Sa, những loại cây này đã phát triển tốt, cho thu hoạch, phù hợp với môi trường nước mặn, khô hạn trên các đảo Trường Sa. Tạo cảnh quan, gây dựng hệ sinh thái, môi trường trong lành cho các đảo. Đặc biệt, sau gần 10 năm, kiên trì đưa cây giống ra Trường Sa đã chứng minh những cây xanh trồng trên các đảo là phù hợp, cây phát triển tốt.

Trường Sa hôm nay

Đến Trường Sa hôm nay, rất nhiều công trình hạ tầng tại các đảo đã được tôn tạo, xây dựng khang trang, kiên cố. Hệ thống nhà ở, đường bê tông, hệ thống điện bằng năng lượng sạch từ sức gió và mặt trời, bể chứa nước ngọt, hệ thống trạm phát sóng FM, hệ thống thông tin liên lạc Viettel, visat... thông suốt từ đất liền ra đảo đã thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của quân dân trên đảo. Từ đất liền đã kết nối cầu truyền hình, cầu truyền thanh trực tuyến đến các đảo. Giao thông đi lại với đất liền có phương tiện đường biển, huyện đang phát triển phương tiện hàng không. Trụ sở làm việc của UBND các xã, thị trấn được xây dựng, sửa chữa và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cơ bản. Các đảo được trang bị xuồng có sức cơ động nhanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, đánh bắt hải sản. Quần đảo có 4 âu tàu tại Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa và Sinh Tồn với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn; các trạm dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, 2 làng chài là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Các cơ sở hậu cần nghề cá đã giúp hàng nghìn lượt tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa... đến nghỉ ngơi, tránh trú giông bão. Tàu bảo đảm hậu cần nghề cá, được cấp miễn phí nước ngọt, lương thực, thực phẩm, y tế, mua nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền... 

Quần đảo có 9 ngọn hải đăng, được cơ quan thủy đạc quốc tế công nhận do Việt Nam thiết lập và duy trì, bảo đảm hàng hải, giúp tàu thuyền định hướng và xác định vị trí; 2 trạm khí tượng hải văn quan trắc và phát báo quốc tế, là con mắt báo bão sớm nhất cả nước, bảo đảm phòng, chống thiên tai trên biển. 

Các công trình như trụ sở HĐND và UBND xã, thị trấn, nhà ở, các trường học, bệnh xá, 9 ngôi chùa, công viên, tượng đài, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, thể thao... được tôn tạo, xây mới khang trang, đáp ứng nhu cầu cơ bản đời sống của quân và dân trên đảo. Các xã, thị trấn có 3 trường tiểu học, giáo viên đảm nhiệm dạy các lớp từ mẫu giáo đến các lớp tiểu học. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng, chỉ đạo giáo viên dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với trình độ học sinh và điều kiện dạy học. Chất lượng giáo dục và lực học của học sinh khá vững chắc, kết quả kiểm tra đánh giá hàng năm học sinh đều đạt khá, giỏi, 100% các cháu vào bờ học tiếp đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi. 

Khu dân cư trên đảo được thiết kế đẹp, thoáng mát với vườn rau, khu chăn nuôi, tivi kỹ thuật số, đầu video, tủ lạnh... Chăm sóc sức khỏe cho quân và dân được cải thiện rõ rệt qua các năm. Quần đảo có 10 trạm y tế và các tổ quân y với đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao từ các bệnh viện, viện trong nước bảo đảm phòng, chống dịch bệnh và được đầu tư trang thiết bị và nhiều loại thuốc. Hàng tháng lực lượng quân y tổ chức khám chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân theo định kỳ, trẻ em dưới 5 tuổi không bị suy dinh dưỡng. Ngoài những ca bệnh khó đòi hỏi phải có đủ dụng cụ vật chất y tế đặc biệt và kết nối từ đất liền chữa trị, hầu hết các đảo nổi có thể giải quyết những ca bệnh cho nhân dân và ngư dân khi gặp nạn. 

Nhà tưởng niệm Bác Hồ là công trình lưu niệm đặc biệt được xây dựng khang trang tại thị trấn Trường Sa; 2 bảo tàng 3D tại thị trấn Trường Sa và xã Song Tử Tây, 1 nhà truyền thống tại đảo Nam Yết, 23 nhà văn hóa đa năng tại các đảo chìm cùng nhiều sân bóng đá, bóng chuyền với một số dụng cụ tập luyện thể thao đa năng phục vụ cơ bản các hoạt động tập luyện và giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. 

Các di sản văn hóa được trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị như: 2 bia chủ quyền di tích lịch sử cấp quốc gia tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết, 9 ngôi chùa được tôn tạo và đã có các sư trụ trì. 4 cây di sản Việt Nam được xác lập tại các đảo. Cây xanh và hoa đã được đưa ra trồng trên tất cả các đảo, được chăm sóc cẩn thận, tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên tươi đẹp, là niềm vui, sức sống của quân và dân tại các đảo.

Huyện Trường Sa với vị trí quân sự chiến lược quan trọng của Tổ quốc, có vai trò đặc biệt và ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước trên khu vực Biển Đông. Trong tình hình hiện nay, phát triển huyện Trường Sa vững chắc là yêu cầu cấp thiết và thường xuyên của tỉnh Khánh Hòa và cả nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị xác định: “Tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. 

Quần đảo Trường Sa cách xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tuy còn nhiều khó khăn song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và bao công sức, tình cảm của nhân dân cả nước, diện mạo Trường Sa hôm nay đã thay đổi và phát triển không ngừng. Quân và dân Trường Sa luôn tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ, gìn giữ và phát triển kinh tế - xã hội các đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng! Sau 48 năm, nơi ấy đã có rất nhiều đổi thay kể từ khi những người lính đầu tiên của Đoàn C75 đặt chân lên giải phóng các đảo. Và, hơn tất thảy, có một Trường Sa được xây dựng vững chắc trong lòng mỗi người con đất Việt.

Nguyễn Văn Tình
(Học viện Hải quân)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày