Thứ 7, 23/11/2024, 10:11[GMT+7]

Xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình: Cần biện pháp mạnh Kỳ 1: Nghịch lý bến thiếu, bến thừa

Thứ 2, 29/05/2023 | 10:40:22
6,666 lượt xem
Thời gian qua, lĩnh vực vận tải hành khách lâm vào cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải khách hoạt động trong các bến xe khách và cả các đơn vị quản lý, khai thác bến xe còn đang phải đối mặt với tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình nở rộ càng khiến hoạt động của các bến xe thêm phần đìu hiu.

Bến xe khách Hoàng Hà vắng khách do sự tồn tại của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.

Bến xe vắng khách
Có mặt tại bến xe khách Tiền Hải trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng người về quê nghỉ lễ khá đông, tuy nhiên khu vực bến xe lại khá vắng vẻ, chỉ có lác đác vài hành khách vào mua vé và chờ xe xuất bến. 

Ông Trần Đức Giang, Trưởng ban Quản lý bến xe cho biết: Thời gian gần đây, mặc dù hoạt động của bến đã khôi phục được khoảng 70 - 80% so với trước dịch, tuy nhiên, lượng khách sụt giảm rõ rệt khiến các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều nhà xe bỏ tuyến.

Bến xe tuyến huyện đìu hiu, vắng khách như thế, Bến xe khách trung tâm Thái Bình cũng không khá hơn. Hiện tại, Bến xe khách trung tâm Thái Bình có 46 doanh nghiệp đăng ký hoạt động đến trên 30 tỉnh, thành phố với 184 xe. Nếu như trước kia lượng xe ra, vào bến duy trì từ 250 - 260 lượt/ngày thì nay bình quân 100 - 110 lượt/ngày; các ngày trong tuần chỉ đạt 70 - 80 lượt/ngày, tập trung chủ yếu tuyến Thái Bình - Hà Nội. 

Ông Phan Thế Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý bến xe nêu một thực tế, khác với nhiều năm trước, lượng khách ra bến xe hiện nay đang giảm nhiều nên hầu hết các bến đang hoạt động không hết công suất. Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giảm số lượng đầu xe, giảm tần suất hoạt động hay thay đổi chủng loại từ xe cỡ lớn trên 30 chỗ ngồi xuống xe 16 chỗ ngồi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 bến xe khách, tuy nhiên hầu hết đều rơi vào cảnh vắng khách, hoạt động cầm chừng. Lý giải cho tình trạng trên, ông Nguyễn Hữu Hoan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Hoàng Hà cho rằng: Do hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, đi lại thuận tiện và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người ưu tiên di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản của tình trạng bến xe vắng khách, theo ông Hoan, vẫn là sự tồn tại của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, bởi những tiện lợi trước mắt mà loại hình này mang lại.

Xe khách của Công ty TNHH X.E VIETNAM ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách tại đường Quang Trung (ảnh chụp sáng ngày 23/4/2023).

Bến cóc sôi động

Với lợi thế phục vụ chất lượng cao, có xe đưa đón tận nhà, thay vì vào bến mua vé đi xe tuyến cố định như trước kia, người dân sẵn sàng chi tiền để lựa chọn hình thức xe hợp đồng. Thấy hoạt động dễ dàng, nhiều xe đăng ký tuyến cố định vào bến đã “nhảy dù” ra bắt khách dọc đường không đúng quy định. 

Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: Trong khi các nhà xe tuyến cố định phải vào bến, chạy theo luồng, tuyến rất nghiêm ngặt thì xe hợp đồng lại tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh được nhiều loại thuế, phí. Thực tế này đang gây ra hàng loạt hệ lụy như mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), thất thu thuế của nhà nước, nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp “bức tử” không ít nhà xe trong bến, còn người đầu tư bến xe thì khóc ròng vì “bến xe không... xe”.

Mặc dù được trang bị camera giám sát giao thông hơn 2 năm nay nhưng tình trạng giao thông tại khu vực ngã tư An Tập, đường Quang Trung (thành phố Thái Bình) vẫn diễn ra tương đối lộn xộn. Theo chia sẻ của người dân, nhiều năm nay khu vực này trở thành bến cóc để Công ty TNHH X.E VIETNAM đón, trả khách. 

Bà Trần Thị Thục, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình cho biết: Việc xe dừng đỗ, đón trả khách ngay dưới lòng đường gây ra tình trạng ách tắc giao thông cũng như gây cản trở việc kinh doanh của các hộ dân lân cận. Ngoài ra, một số xe trung chuyển đón, trả khách tại các ngõ phố nhỏ chạy rất nhanh và ẩu, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, địa bàn thành phố Thái Bình đang tồn tại nhiều điểm dừng đỗ trái phép để đón trả khách như: Công ty TNHH X.E VIETNAM tại ngã tư An Tập; Công TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Phiệt Học tại đường Trần Thái Tông; Công ty Cổ phần Xe khách Nam Hà Hải tại đường Lê Lợi; khu vực Bến xe khách trung tâm Thái Bình đoạn ngã tư đường Trần Thái Tông với đường Lý Bôn; đường Lý Bôn tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Tại các bến cóc này, các xe ô tô loại 16 chỗ vẫn ngang nhiên dừng đỗ ngay dưới lòng đường, trên vỉa hè.

Có thể nói, xe dù, bến cóc đang là nỗi nhức nhối đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Bình. Chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin đặt chỗ, các loại xe mang danh là xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe liên tỉnh tuyến cố định, luồn lách mọi tuyến phố để đón khách. Vì tiện lợi nên loại xe này thu hút khá đông hành khách và hệ quả là gây quá tải lên hạ tầng giao thông, dẫn tới ùn tắc. Đáng nói hơn, các vi phạm chưa được xử lý quyết liệt, dứt điểm nên càng phát triển và lan rộng. Thực tế, tình trạng này chỉ lắng xuống vào mỗi dịp lực lượng chức năng ra quân, sau đó đâu lại vào đấy. Không cạnh tranh được với xe dù, bến cóc nên nhiều nhà xe cũng đành bỏ bến ra ngoài để bắt khách...

Thiết nghĩ, nếu không có biện pháp xử lý triệt để, quyết liệt sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

"Bến cóc" tại đường Lê Lợi. 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh hiện có 875 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải. Trong đó, 39 đơn vị đăng ký tuyến cố định với 596 xe; 59 đơn vị đăng ký xe hợp đồng với 755 xe.

(còn nữa)
Nhóm phóng viên



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày