Thứ 5, 19/09/2024, 04:58[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” cho y tế xã Kỳ II: Tín hiệu vui sau sáp nhập

Thứ 3, 13/08/2024 | 20:58:05
797 lượt xem
Trong khi nhiều trạm y tế còn đang loay hoay tìm hướng thu hút người đến khám chữa bệnh thì một số trạm y tế sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã phát huy lợi thế về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, niềm tin của nhân dân.

Nhờ chủ động thực hiện xã hội hóa, kỹ thuật nội soi tai mũi họng được triển khai tại Trạm Y tế xã Hà Giang (Đông Hưng) năm 2022.

Phát huy nội lực

Trước khi sáp nhập, số người đến khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Đông Hà và Trạm Y tế xã Đông Giang (Đông Hưng) chỉ khoảng 10 - 20 người/trạm/ngày. Thế nhưng, từ năm 2020 sau khi thực hiện sáp nhập thành xã Hà Giang, Trạm Y tế xã chuyển về địa điểm chung tại xã Đông Hà cũ thì số lượng người đến KCB cao hơn, có ngày khoảng 50 bệnh nhân. Hiện Trạm có 8 cán bộ, nhân viên y tế. Việc sáp nhập đã giúp Trạm Y tế xã có đủ nhân lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn (trước kia cả 2 trạm đều thiếu); cơ sở vật chất cũng khang trang, rộng rãi và ngay gần đường chính thuận lợi cho người dân đến KCB, sơ cứu, cấp cứu ban đầu.

Bác sĩ Chu Hoàng Tùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hà Giang chia sẻ: Sau sáp nhập, thời gian đầu khi chưa quen với địa bàn rộng hơn, dân cư đông hơn, Trạm cũng gặp một số khó khăn do hộ gia đình ở xa cũng cách Trạm khoảng 3km. Song với đội ngũ nhân lực đông gồm: 1 bác sĩ, 1 cán bộ dân số, 1 cán bộ dược, 1 cán bộ y học cổ truyền và 4 y sĩ đa khoa, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn. Ngoài các trang thiết bị hiện có, Trạm đã thực hiện xã hội hóa, tự đầu tư thêm một số trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động KCB nên số lượng người dân đến KCB tăng. Người dân rất tin tưởng khi KCB tại Trạm. 

Bà Đặng Thị Thinh, thôn Đông Tân, xã Hà Giang cho biết: Tôi tuổi cao, khi bị bệnh thông thường chỉ muốn đến KCB tại trạm y tế xã vì cán bộ, nhân viên nhiệt tình, niềm nở; chất lượng KCB tốt; cơ sở vật chất thì sạch sẽ, khang trang.

Vượt khó vươn lên

Tại Trạm Y tế xã Tây Sơn (Kiến Xương), sau sáp nhập, hoạt động chỉ đạo điều hành được thu gọn, các trang thiết bị được dồn lại, bổ sung cho thiết bị trước đây còn thiếu hoặc đã bị hư hỏng. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: Sáp nhập là tạo điều kiện thuận lợi để Trạm Y tế xã nâng cao chất lượng. Nguồn nhân lực y tế của Trạm tăng lên, giúp các hoạt động được triển khai nhanh chóng, hiệu quả; số dư nhân lực đã được luân chuyển, bổ sung sang các trạm y tế khác. Thực hiện sáp nhập, số lượng bệnh nhân đến KCB hàng ngày cũng tăng. Năm 2023, tổng số lượt KCB tại Trạm là gần 7.130 lượt bệnh nhân.

Sau sáp nhập 3 xã Thái Dương, Thái Hồng, Thái Thủy thành xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy), công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn có nhiều thuận lợi, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động, mục tiêu đề ra. Dù điểm xa nhất cách trạm y tế khoảng 5 - 6km có phần nào ảnh hưởng đến việc đưa trẻ đi tiêm chủng nhưng nhiều gia đình vẫn đưa con, cháu đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. 

Bác sĩ Phạm Thị Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dương Hồng Thủy cho biết: Các hoạt động của Trạm đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Nếu trước kia, mỗi trạm chỉ có 4 - 5 cán bộ, nhân viên y tế thì nay tổng số cán bộ, nhân viên của Trạm đã là 9 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ y học cổ truyền nên việc KCB nhiều thuận lợi. Trang thiết bị cũng đầy đủ hơn, những trang thiết bị dư thừa, chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. So với trước sáp nhập, số lượt người đến KCB có tăng nhưng không nhiều. Trung bình mỗi tháng Trạm đón tiếp hơn 400 lượt người đến KCB, trong đó KCB bảo hiểm y tế là 150 - 180 lượt người. Các hoạt động y tế dự phòng, dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe... được triển khai hiệu quả. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành, địa phương để nâng cao hơn trình độ chuyên môn, phục vụ người dân tốt hơn ngay từ cơ sở.

Hiện nay, sau sáp nhập, Thái Bình đã giảm được 26 trạm y tế. Thời gian đầu sau sáp nhập, hoạt động một số trạm cũng có gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, giờ đây, hoạt động của nhiều trạm đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong đó một số trạm đã có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ người dân đến KCB. Đây là những tín hiệu vui, tích cực từ các trạm y tế sau sáp nhập.

Trạm Y tế xã Hà Giang (Đông Hưng).phát huy hiệu quả KCB bằng y học cổ truyền.

(còn nữa)

 Hoàng Lanh

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày