Thứ 7, 23/11/2024, 05:13[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” cho y tế xã Kỳ III: Giải pháp nào thu hút người bệnh?

Thứ 4, 14/08/2024 | 21:11:03
2,446 lượt xem
Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) nói chung, KCB bảo hiểm y tế nói riêng tại nhiều trạm y tế giảm mạnh. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có việc làm thế nào để nâng cao chất lượng, thu hút người bệnh đến KCB, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.

Trẻ em uống vitamin A tại Trạm Y tế xã Minh Quang (Vũ Thư).

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế thu hút nhân lực

Thực tế vai trò của trạm y tế rất quan trọng. Đây là nền tảng của hệ thống y tế, tuyến y tế gần dân nhất, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Dù hoạt động KCB chủ yếu là sơ cứu, KCB thông thường ban đầu song việc bảo đảm chất lượng KCB ở tuyến y tế cơ sở là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, giảm áp lực KCB cho các tuyến trên. Để hoạt động KCB nói chung, KCB bảo hiểm y tế nói riêng tại trạm y tế đạt hiệu quả cao cần có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cùng với sự quan tâm của Bộ Y tế và của tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, đơn vị, thời gian qua ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để trạm y tế thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Về tổ chức bộ máy, đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý trạm y tế đến nay cơ bản được củng cố, kiện toàn. Căn cứ nhân lực bác sĩ tại trạm y tế, Sở đã xây dựng phương án luân phiên bác sĩ từ trung tâm y tế huyện về KCB để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế. Các bệnh viện tuyến huyện cũng đã phối hợp với trung tâm y tế hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế, chuyển giao kỹ thuật thường quy theo phân tuyến kỹ thuật. Hàng năm, cán bộ tuyến huyện tham gia chỉ đạo tuyến hỗ trợ chuyên môn và tập huấn để cán bộ trạm y tế thực hiện nhiệm vụ, vì vậy cán bộ, nhân viên trạm y tế thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các trạm y tế, ông Phạm Nam Thái cho biết thêm: Sở Y tế đã đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án vị trí việc làm của trung tâm y tế, trạm y tế, tuyển dụng các vị trí còn thiếu; từng bước củng cố, bổ sung, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất của trạm y tế theo quy chuẩn, bảo đảm yêu cầu chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở. Thực hiện luân phiên bác sĩ từ bệnh viện, trung tâm y tế về làm việc tại trạm. Tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sàng lọc để phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Nâng cao chất lượng, triển khai hiệu quả khám chữa bệnh tại trạm y tế theo gói dịch vụ y tế cơ bản; khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Xây dựng các điểm triển khai mô hình bác sĩ gia đình, hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử... Cùng với đó, Sở tăng cường chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác KCB tại trạm y tế trong tỉnh để việc tổ chức thực hiện KCB tại trạm y tế đi vào nền nếp; tăng cường triển khai thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn...

Trạm Y tế xã Hà Giang (Đông Hưng) phát triển khám chữa bệnh y học cổ truyền.

Tăng niềm tin từ người bệnh

Theo nhận định của cán bộ trạm y tế, hoạt động của trạm y tế nói chung, hoạt động KCB tại trạm y tế nói riêng chưa đạt như mong muốn, nguyên nhân lớn nhất hiện nay là về đội ngũ cán bộ và trang thiết bị. Mỗi trạm y tế trung bình có từ 4 - 6 cán bộ, song khối lượng công việc nhiều, từ KCB, thực hiện các chương trình y tế mục tiêu quốc gia, phòng, chống dịch bệnh đến công tác dân số... Trong khi đó, những năm gần đây, nhiều trạm y tế thường xuyên trong tình trạng thiếu cán bộ càng gây thêm khó khăn trong hoạt động. Tại các trạm y tế sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cho thấy, với sự tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, hoạt động tại đây đều được nâng chất lượng.

Hoạt động khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tây Sơn (Kiến Xương) được nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, để người bệnh có niềm tin, lựa chọn trạm y tế là điểm đến khi mắc bệnh thông thường hoặc cần sơ cứu ban đầu thì những “người gác cổng” y tế cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, phát huy tốt sức mạnh nội lực. Câu chuyện chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa tại Trạm Y tế xã Hà Giang để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân là một kinh nghiệm mà nhiều trạm y tế có thể học hỏi.

Bà Trịnh Thị Trúc (Vũ Thư) chia sẻ: Khi mắc bệnh thông thường như cảm cúm, ho, sổ mũi..., nhiều người cũng muốn đến trạm y tế để khám vì gần nhà, đỡ chi phí đi lại. Vì thế, nếu các trạm y tế bảo đảm đủ thuốc, nhân viên y tế đón tiếp niềm nở, KCB nhiệt tình, chu đáo, hiệu quả thì đây vẫn là địa chỉ tin cậy mà người bệnh chúng tôi lựa chọn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tăng cường đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị..., để thu hút người dân đến KCB, mỗi trạm y tế cũng cần chủ động nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ từ khâu đón tiếp đến khám, điều trị, có như vậy mới tạo được niềm tin với người dân.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày