Thứ 7, 23/11/2024, 05:43[GMT+7]

Thời điểm lý tưởng tận dụng “dân số vàng” Kỳ 2: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Thứ 3, 20/08/2024 | 08:46:43
4,180 lượt xem
Sau thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại. Việc thu hút được nhà đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm cho người lao động.

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

Tỉnh Thái Bình hiện có 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp (KCN) và 50 cụm công nghiệp với trên 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; cùng với trên 200 mô hình hợp tác xã và làng nghề thu hút hơn 720.000 lao động. Bình quân hàng năm, tỉnh tạo việc làm mới cho hơn 34.000 lao động. Năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động, dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh rất lớn. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhiều cơ hội việc làm là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Các xã nghề, làng nghề duy trì và sản xuất hiệu quả đã mở ra nhiều cơ hội để người lao động lựa chọn công việc phù hợp, từ đó có thêm thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Sau thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trên đà hồi phục và tăng trưởng trở lại, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Đại diện bộ phận tuyển dụng nhân sự của một công ty chuyên sản xuất hàng may mặc tại huyện Quỳnh Phụ cho biết: Mặc dù đã nỗ lực đăng thông tin tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau nhưng việc tìm được nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi. Hiện công ty đang đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như hỗ trợ tiền trong tháng đầu tiên đi làm, phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ công nhân nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, hỗ trợ tiền xăng xe... để thu hút lao động. 

“Nhiều doanh nghiệp đang khan hiếm lao động, nhất là những doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, giày da, công nghệ điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng. Điều đó cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động” - ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh. 

KCN Liên Hà Thái (Thái Thụy) được coi là KCN tiên phong, trọng điểm trong Khu kinh tế Thái Bình. Nơi đây đang trở thành KCN kiểu mẫu, tạo đột phá trong thu hút nhiều dự án lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh. 

Ông Nguyễn Trần Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park - nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái cho biết: Trải qua 3 năm vận hành, KCN Liên Hà Thái đã thu hút được 21 dự án trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn như dự án Công ty Compal Electronics Việt Nam chuyên sản xuất máy vi tính, máy tính xách tay, thiết bị điện tử, thiết bị thông minh, kinh doanh linh phụ kiện điện tử; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam chuyên sản xuất kính áp tròng; dự án nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam chuyên sản xuất và lắp rắp thiết bị làm vườn; dự án nhà máy Lotes Việt Nam chuyên sản xuất chân ram kết nối, cáp kết nối cho thiết bị điện tử. Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động, các dự án khác đã và đang triển khai xây dựng nhà xưởng với tiến độ rất nhanh để sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. Dự kiến khi cả 21 dự án đi vào hoạt động và sản xuất hết công suất, KCN sẽ cần khoảng 40.000 lao động. 

Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài Thái Bình là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có mặt tại KCN Liên Hà Thái, chuyên xây dựng nhà xưởng cho thuê. Bà Phạm Thị Huyền, Trưởng phòng nhân sự Công ty chia sẻ: Hiện nay đã có 10 doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng của Công ty chúng tôi. Ngoài ra còn 9 doanh nghiệp khác đang tiếp tục đàm phán. Qua quan sát, chúng tôi thấy chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư vào đây là về lĩnh vực điện tử, lắp ráp máy móc, công nghiệp nhẹ và phụ trợ. Một số doanh nghiệp đã tuyển được hơn 1.000 công nhân ở các xã lân cận vào làm việc; nhu cầu của các doanh nghiệp cần từ 8.000 - 10.000 công nhân. Ngoài lao động phổ thông, các doanh nghiệp cũng cần người lao động có trình độ với mức lương hấp dẫn như phiên dịch tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Hàn, các kỹ sư vận hành, chuyên viên kinh doanh... 

Thời gian qua, Thái Bình đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh có xu hướng tăng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Bình được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn, hiện đang đón làn sóng đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất linh kiện bán dẫn. Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, việc các nhà đầu tư lớn đổ bộ vào Thái Bình sẽ tạo ra vô vàn cơ hội việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

KCN Liên Hà Thái (Thái Thụy) sẽ cần tới khoảng 40.000 lao động khi các dự án đi vào sản xuất.

(còn nữa) 

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày