Thứ 7, 23/11/2024, 09:34[GMT+7]

Nông thôn Thái Bình: Sáng, xanh, sạch (Kỳ 1)

Thứ 4, 17/10/2018 | 08:28:45
3,887 lượt xem
7 năm, kể từ khi bắt tay vào xây dựng chương trình quốc gia về nông thôn mới (NTM), nông thôn Thái Bình đã có nhiều đổi thay. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh mà bức tranh làng quê Thái Bình từng ngày bừng sáng với diện mạo khang trang và môi trường sống sáng – xanh - sạch.

Diện mạo xã nông thôn mới Minh Quang (Vũ Thư) sạch, đẹp.

Kỳ 1: Sống chung với ô nhiễm

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện thì cũng đồng nghĩa với nhiều vấn đề xã hội phát sinh, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm mỗi trường.

Rác từ nhà ra đường!

Cách đây khoảng 3 – 4 năm, chỉ cần dạo quanh các vùng nông thôn, dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải sinh hoạt ven các cánh đồng, ngập các con đường làng, đường liên xã. Trên những con đường dẫn ra cánh đồng làng với bao nhiêu là bao nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng… Ngay cả trên đường quốc lộ, đường liên huyện chúng ta cũng dễ bắt gặp những bãi rác bất đắc dĩ nằm chình ình, chồng chất lên nhau, nào túi ni lông, nào vỏ bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm... được “vô tư” xả thải hai bên đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường. 

Rác thải tràn lan trên đường quốc lộ 10. Ảnh chụp năm 2016.

3 năm trước, trong một lần phỏng vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, chị Trần Thị Hoa, thôn An Lạc, xã Trung An, huyện Vũ Thư cho biết: Vì thôn không có bãi rác nên rác nhà nào nhà nấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Người thì đốt, người đào hố chôn nhưng cũng có không ít nhà vẫn vứt rác ra đồng, mương máng hoặc ven đường. Ai cũng chỉ biết sạch trong nhà còn ngoài ngõ thì ít người quan tâm, mà có quan tâm cũng không được vì biết vứt rác ở đâu? Chẳng lẽ lại đổ vào vườn nhà mình! Lâu thành quen, nhà nọ thấy nhà kia vứt được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn xóm. Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi. Biết việc xả rác thải như vậy ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của chính mình nhưng vì chưa có cách xử lí nào phù hợp nên nhiều người vẫn đành “nhắm mắt làm ngơ”, đến khi môi trường bị ô nhiễm thì cũng chỉ biết kêu phiền. 

Những năm trước do không có bãi rác thải, người dân xã Trung An (Vũ Thư) “vô tư” xả rác ra đường giao thông. Ảnh chụp năm 2016

Những năm trước, dọc theo tuyến đê biển số 8 địa phận xã Thụy Hải, huyện Thái Thuỵ hình thành rất nhiều bãi rác tự phát. Không chỉ người dân mang rác ra đây vứt mà tổ thu gom rác thải của xã cũng đổ ra đây do xã không quy hoạch được bãi rác thải sinh hoạt tập trung bảo đảm khoảng cách quy định. Bãi rác có diện tích trên 2.000m2, với nhiều đống rác chất cao và đã tồn tại từ rất lâu. Xung quanh bãi rác nước thải rỉ ra, ruồi nhặng bay tứ phía. Chỉ khoảng 10 phút tác nghiệp, người bịt kín mà chúng tôi không thể chịu nổi, vậy những hộ dân sống chỉ cách bãi rác 20  - 30m thì cuộc sống sẽ như thế nào? Được biết, do không có diện tích đất quy hoạch bảo đảm khoảng cách xa khu dân cư 300m theo quy định nên bãi rác này vẫn hoạt động cả chục năm nay, là nơi chứa rác của 2/3 thôn. Còn thôn Tam Đồng do không có bãi rác, không có tổ thu gom rác thải sinh hoạt nên người dân tự xử lý chôn lấp, hoặc đốt tại nhà. Nhiều hộ nhà chật thì đổ ra đường, tiện đâu đổ đó nên trong thôn hình thành nhiều bãi rác tự phát, rất mất mĩ quan và ô nhiễm môi trường. 

Nước thải bủa vây

Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, thì nước thải cũng bủa vây môi trường nông thôn. Đó là việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Rất nhiều người dân chưa ý thức được sự nguy hại từ vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, xem đây là một loại rác thải thông thường, không có hại nên thường “tiện đâu vứt đó”, kéo theo tình trạng loại rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngày càng xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, mương máng, gây ô nhiễm nguồn nước. 

Với diện tích trên 81.000 ha lúa, gần 48.000ha cây màu vụ đông và hàng nghìn ha cây màu xuân, hè nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp là rất lớn. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 550.000 tấn phân hữu cơ, 210.000 phân bón vô cơ và trên 620 tấn hóa chất thuốc bảo vệ thực vật các loại. Do đó, lượng phân bón, hóa chất hòa tan trong nước ruộng được tiêu thoát vào các kênh, sông trục tiêu của 2 hệ thống thủy lợi Bắc và Nam tỉnh, gây ô nhiễm môi trường mặt nước, đất, không khí.  

Vỏ bao thuốc trừ sâu được người dân vứt bỏ xuống hệ thống kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh chụp năm 2015

Việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Bên cạnh những lợi ích kinh tế thì ngành chăn nuôi cũng đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực nông thôn, bởi đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn chư¬a đầu tư xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định mà xả thải trực tiếp ra môi trường.

Thái Bình là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, với 247 làng nghề, góp phần giải quyết bài toán việc làm, nhất là trong lúc nông nhàn cho nhiều địa phương. Trong đó, nhiều làng nghề thu hút trên 60% tổng số lao động của xã vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, với công nghệ sản xuất lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội, hệ thống xử lý nước thải chưa đầu tư phù hợp, làng nghề xen lẫn khu dân cư, phần lớn các chất thải không được thu gom, xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Ô nhiễm môi trường từ làng nghề dệt khăn xã Thái Phương (Hưng Hà). Ảnh chụp năm 2016



Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy

Nhiều địa phương chưa quyết liệt vào cuộc trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Mặc dù, hầu hết các xã, thị trấn đã đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường vào tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải cũng chưa được thực hiện tốt, chưa hình thành các cơ sở thu gom rác thải tư nhân. Việc thu phí vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn… 

Ông Phạm Hồng Quân, thôn Phương La 3, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà

Cuộc sống của chúng tôi không được bảo đảm vì tình trạng ô nhiễm môi trường từ làng nghề dệt nhuộm. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc do hầu hết nước thải từ nghề dệt nhuộm đều được xả trực tiếp ra môi trường. Nước tại các sông, ao, hồ trong làng đều chung một màu đen kịt, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Chị Lưu Thị Xuân, thôn Trinh Cát, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải

Ai cũng biết, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách sẽ gây hại cho môi trường và sức khỏe nhưng nhiều nông dân vẫn rất chủ quan khi không mang đồ bảo hộ lao động. Vô tư vứt bỏ vỏ thuốc ngay tại ruộng lúa, bờ mương, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng.


(còn nữa)

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày