Thứ 7, 23/11/2024, 14:11[GMT+7]

Kiến Xương - chung tay “giải cứu” lợn thịt

Thứ 6, 26/04/2019 | 17:42:50
4,227 lượt xem
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, cùng với các địa phương trong tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị của huyện Kiến Xương đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức thu mua lợn thịt hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Báo Thái Bình hỗ trợ tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương. Ảnh: Phan Lợi

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 37 xã, thị trấn của huyện. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương: Đến hết ngày 24/4/2019, bệnh dịch đã phát sinh tại 9.232 hộ chăn nuôi của 236 thôn trong huyện, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Toàn huyện đã tiêu hủy gần 42.300 con lợn với tổng trọng lượng 1.940.000kg; trong đó, lợn nái, đực giống là 13.478 con, lợn thịt hơn 28.800 con. Hiện nay, số lợn khỏe trong kỳ xuất bán ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều, tập trung ở các trang trại có quy mô chăn nuôi lớn. Dự báo trong thời gian tới, bệnh dịch tiếp tục có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi cũng như các hộ chăn nuôi của huyện.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan và gây bệnh trên người, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn khỏe mạnh. 

Thời gian qua, để tăng cường tiêu thụ thịt lợn, giảm thiệt hại và tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng của huyện Kiến Xương đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kiến Xương cho biết:  Địa phương luôn coi trọng công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm “5 không” trong phòng, chống dịch. Cùng với thành lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn huyện và các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh, giết mổ lợn, các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm chế biến từ lợn ra vào địa bàn, Kiến Xương đã cấp 9.700 lít hóa chất và 449.417kg vôi bột hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch và tiêu độc, khử trùng.

Một lò mổ tại thị trấn Thanh Nê mỗi ngày giết mổ khoảng 10 con lợn cho các cơ quan, đơn vị hỗ trợ người chăn nuôi. 

Cùng với đẩy mạnh các giải pháp phòng chống, khống chế, bao vây dập dịch, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không quay lưng lại với thịt lợn, cùng chung tay hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn một phần do tâm lý e ngại của người dân không ăn thịt lợn trước bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chúng tôi có mặt tại chợ Nê, thị trấn Thanh Nê một trong những chợ trung tâm của huyện Kiến Xương sáng ngày 26/4, hoạt động mua bán tại chợ vẫn diễn ra sôi động nhưng 30 sạp thịt lợn tại chợ đang gặp khó khăn khi tiêu thụ thịt kể từ khi bệnh dịch bùng phát và lan rộng trên địa bàn huyện. 

Bà Trần Thị Tuyết, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nê chia sẻ: Trước đây, mỗi buổi sáng tôi bán hết 15kg, mà từ khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi bà con nhân dân mua giảm hẳn. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được khoảng trên dưới 5kg thịt. 3 – 4 người thịt chung một con lợn được lấy từ trang trại có uy tín mà bán còn ế ẩm. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi cũng như người kinh doanh các sản phẩm thịt lợn như chúng tôi.

Bà Trương Thị Sót, khu Tự Tiến, thị trấn Thanh Nê cho biết: Lúc đầu tôi cũng hoang mang, lo lắng khi mua thịt lợn nhưng rồi qua nghe báo đài tuyên truyền bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và mua thịt ở các cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm thì không lo lắng gì cả. Gia đình tôi hàng ngày vẫn sử dụng thịt lợn bình thường.

Thực hiện Thông báo số 668 - TB/TU ngày 24/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt trong địa bàn tỉnh, UBND huyện Kiến Xương đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị và lực lượng vũ trang huyện; phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn trong cán bộ, viên chức, người lao động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trong huyện theo hình thức đăng ký mua lợn khỏe mạnh đã đến kỳ xuất bán.

Ông Vũ Mạnh Thía, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Đây là một chủ trương đúng của tỉnh, kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi, giải cứu đàn lợn đến kỳ xuất bán. Cùng với phát động phong trào tiêu thụ lợn thịt trên toàn huyện, địa phương cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về lợn thịt khỏe mạnh cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ lợn không bị bệnh dịch, vận động toàn dân không quay lưng lại với thịt lợn...

Từ đợt 1 phong trào tiêu thụ lợn được thực hiện trong quy mô toàn tỉnh ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2019. Theo đó, 9 cơ quan, đơn vị của tỉnh tham gia hỗ trợ người chăn nuôi huyện Kiến Xương tiêu thụ lợn khỏe đến kỳ xuất bán gồm: Ủy ban MTTQ tỉnh, Báo Thái Bình, Trường Chính trị tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Nông dân tỉnh. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Kiến Xương.

Bước đầu, việc tiêu thụ lợn thịt của huyện tập trung tại 4 trang trại lớn như: trang trại Huy Gia Trang (Bình Định), trang trại Hoàng Liễn (An Bình), trang trại Thuận Hưng (Vũ Hòa) và trang trại Tiến An Khang (Bình Minh). Tổng số lợn cần tiêu thụ của 4 trang trại là 6.100 con với tổng trọng lượng 780.000kg; trong đó, các cơ quan, đơn vị dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 56.600kg tập trung chủ yếu tại 3 trang trại Huy Gia Trang, Hoàng Liễn và Thuận Hưng. 

Ngay trong sáng ngày 26/4, Báo Thái Bình, Văn phòng HĐND - UBND huyện Kiến Xương đã thực hiện Thông báo số 668 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Ông Phạm Văn Quảng, Chánh văn phòng UBND huyện Kiến Xương

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, sáng ngày 26/4, Văn phòng HĐND - UBND huyện đã tiên phong hỗ trợ tiêu thụ gần 500kg lợn thịt khỏe mạnh của trang trại Huy Gia Trang, là trang trại có số lượng lợn thịt lớn nhất trên địa bàn huyện. Để thuận tiện cho việc các đơn vị liên hệ và hỗ trợ tiêu thụ lợn khỏe mạnh không bị bệnh cho trang trại, tôi đề nghị với các trang trại hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các đơn vị cũng như liên hệ với lò mổ hoặc trực tiếp giết mổ tại trang trại với giá cả hợp lý, góp phần tạo thuận lợi cho người chăn nuôi cũng như đơn vị hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ trang trại Huy Gia Trang, xã Bình Định

Hiện nay, trang trại có khoảng 3.200 lợn thịt đến kỳ xuất bán. Do làm tốt công tác phòng chống dịch nên lợn của trang trại khỏe mạnh, không bị bệnh dịch. Tôi thấy rằng chủ trương của tỉnh, huyện về giải pháp thiết thực hỗ trợ người chăn nuôi rất kịp thời, hiệu quả. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người chăn nuôi chúng tôi vượt qua khó khăn hiện nay. Tôi cũng mong muốn phong trào hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt của tỉnh không chỉ bó hẹp trong cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước mà sẽ lan tỏa, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân.

Bà Nguyễn Thị Liễu, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nê

Chúng tôi bán hàng ở chợ đã lâu nhưng chưa bao giờ việc thịt lợn lại chững như vậy. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không nên quay lưng lại với thịt lợn; đồng thời có nhiều giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ lợn không mắc bệnh được thuận lợi.

Ông Đặng Đức Át, khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê

Tôi rất đồng cảm với người chăn nuôi hiện nay. Hàng ngày xem thông tin thời sự về việc xử lý lợn chết vì bệnh dịch, tôi cảm thấy rất xót xa. Là người tiêu dùng, tôi mong muốn các cấp, các ngành chung tay giải cứu đàn lợn chưa bị bệnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm để thịt lợn sạch cũng như các sản phẩm từ lợn sạch đến tay người tiêu dùng.


Thu Thủy - Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày