Chủ nhật, 10/11/2024, 05:45[GMT+7]

Tiềm năng phát triển điện gió của Thái Bình

Thứ 2, 13/05/2019 | 08:48:30
9,982 lượt xem
Phát triển điện gió mang lại nhiều lợi ích vì đây là nguồn năng lượng tái tạo vô tận, thân thiện với môi trường và an toàn đối với con người. Phát triển điện gió là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang suy giảm. Thái Bình là một trong ít tỉnh ở miền Bắc có điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Kết quả khảo sát cho thấy Thái Bình có rất nhiều tiềm năng để các nhà đầu tư nghiên cứu, hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực này.

Cột đo gió tại cồn Vành.

Thái Bình nằm bên vịnh Bắc Bộ, có 54km bờ biển với diện tích bãi triều ven biển khoảng 17.000ha là nơi giàu tiềm năng tài nguyên khoáng sản: thủy sản, nước khoáng, khí mỏ, than và gió. Đặc điểm khí hậu mang tính chất cơ bản là nhiệt đới ẩm gió mùa với 2 chế độ gió theo mùa gồm: gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10. 

Ông Trần Ngọc Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương) cho biết: Năm 2014, Sở Công Thương tổ chức lắp dựng cột đo gió có độ cao 60m tại cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải). Kết quả đo gió từ tháng 7/2014 đến tháng 9/2015 thể hiện: ở độ cao 60m, tần suất xuất hiện dải tốc độ gió từ 4 - 7m/s chiếm 53,8% thời gian. Theo tính toán của các chuyên gia, đây là dải tốc độ gió mà các loại tuabin gió bắt đầu phát điện đến công suất phát bằng 1/3 công suất định mức. Tần suất xuất hiện dải tốc độ gió từ 8 - 13m/s chiếm khoảng 31,1% đáp ứng tuabin gió phát điện từ 1/3 công suất đến công suất định mức. Những đặc điểm này khẳng định, Thái Bình là nơi thuận lợi cho việc bố trí cánh đồng tuabin điện gió ở khu vực ven biển. Về lý thuyết, tiềm năng điện gió của tỉnh có thể đạt công suất 850MW, sản lượng điện đạt gần 2,9 triệu MWh/năm.

Ngày 25/4/2016, Bộ Công Thương có Quyết định số 1596/QĐ-BCT về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030”. Theo đó, Bộ Công Thương đồng ý cho tỉnh thực hiện dự án điện gió Tiền Hải với tổng diện tích khu vực quy hoạch ở các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú khoảng 1.280ha, tổng công suất lắp đặt điện gió dự kiến là 70MW. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 với công suất 40MW và giai đoạn 2 với công suất 30MW. Đây là cơ sở quan trọng để Thái Bình phát huy tiềm năng điện gió.

Điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án điện gió ở Thái Bình là khu vực quy hoạch thuộc đất bằng, chưa sử dụng, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, hiện tại khu vực dự án có trạm biến áp 110kV Tiền Hải đặt tại xã Đông Cơ, công suất 63MVA - 110/35/10kV và tuyến đường dây 110kV; theo quy hoạch phát triển điện lực tới năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng thêm trạm biến áp 110kV Hồng Hưng, trạm biến áp 110kV Đông Hoàng, xây dựng các tuyến đường dây 110kV từ Trung tâm nhiệt điện Thái Bình đi trạm biến áp 110kV Tiền Hải, Đông Hoàng và Hồng Hưng. Với hạ tầng điện như vậy, dự án điện gió Tiền Hải rất thuận lợi khi thực hiện công tác truyền tải điện, đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia. Cùng với đó, nhu cầu phụ tải điện của Thái Bình cũng như các địa phương khác trong cả nước sẽ liên tục tăng trong thời gian tới tạo cơ hội tốt cho các dự án điện phát triển. Riêng với Thái Bình, khi khu kinh tế đi vào hoạt động với các dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ lớn được đầu tư và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh được lấp đầy dự án, nhu cầu sử dụng điện toàn tỉnh sẽ tăng mạnh. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện thương phẩm của tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng trên 3.000GWh, công suất Pmax đạt 633MW và đến năm 2030 nhu cầu điện thương phẩm sẽ tăng gấp 2,2 lần, tương ứng là gần 6.800GWh, Pmax đạt 1.396MW. Khu vực quy hoạch dự án điện gió có thể kết nối với các điểm du lịch biển hiện có của Thái Bình nên dễ dàng biến những “cánh đồng điện gió” trở thành điểm dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Đầu tư vào lĩnh vực điện gió, các nhà đầu tư được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước như: thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, khấu hao tài sản cố định, tín dụng đầu tư, giá điện... Với rất nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi, Thái Bình đang được nhiều nhà đầu tư lớn trong và người nước quan tâm nghiên cứu, đầu tư phát triển điện gió. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đến nay, đã có 4 nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Hải Lý, Công ty Envision Energy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải, Công ty Cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng xin nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư điện gió. Ngày 19/3/2019, UBND tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp Hải Lý nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án điện gió Tiền Hải giai đoạn I, công suất 40MW theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1596/QĐ-BCT ngày 25/4/2016.

Tập trung quy hoạch và phát triển điện gió, Thái Bình không chỉ đánh thức, khai thác tiềm năng tài nguyên gió phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng, bổ sung nguồn điện cho quốc gia mà còn góp phần hỗ trợ cho ngành công nghiệp phát triển ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày