Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Xây dựng nhà ở cho người có công: Vì sao chậm tiến độ? (Kỳ 1)

Thứ 3, 04/06/2019 | 09:18:47
2,105 lượt xem
Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Sau 6 năm triển khai, việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công được đánh giá là chậm tiến độ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cần những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu đề ra là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua.

Căn nhà của ông Mai Xuân Hanh, xã Vũ Vinh (Vũ Thư) xây dựng từ năm 2015 đến nay chưa được hỗ trợ kinh phí do cả bố và mẹ đều đã mất.

Kỳ I: Chủ trương về, niềm vui chưa trọn

Hân hoan chờ đón có nhà mới 

Quyết định số 22 được ban hành và triển khai thực sự là tin vui với nhiều gia đình người có công (NCC) có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu cải thiện nhà ở. Triển khai thực hiện Quyết định số 22, UBND tỉnh đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện đề án hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho NCC đồng thời ban hành quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 - 2014, giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 25.830 hộ NCC với cách mạng có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở, trong đó số hộ xây mới là 15.827 hộ và 10.003 hộ sửa chữa. Căn cứ tình hình thực tế, đến năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2144 kiện toàn Ban Chỉ đạo đề án và giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện đề án. Qua quá trình triển khai, đã có 15.221 hộ được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (đạt 59% số hộ của đề án), còn 10.609 hộ phải tiếp tục rà soát lại (chiếm 41%). Đến cuối tháng 3/2019, các địa phương đã nghiệm thu công trình và tiến hành giải ngân, thanh toán kinh phí hỗ trợ đến 14.244 hộ (trong đó xây mới cho 9.328 hộ, sửa chữa cho 4.916 hộ), còn 977 hộ chưa giải ngân kinh phí, nguyên nhân chủ yếu là do hộ chưa hoàn thành công trình, một số hộ không còn nhu cầu hỗ trợ. 

Trong hơn 14.000 hộ NCC đã được hưởng niềm vui có nhà mới, chúng tôi đã đến gia đình mẹ Lê Thị Chụng, thôn Hải Long, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) để chia sẻ niềm vui cùng gia đình. Mẹ Chụng năm nay đã gần 90 tuổi, mẹ có con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hơn 50 năm mẹ phải sống trong căn nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp, nhiều năm trước mẹ đã muốn sửa nhà nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, con cái cũng nghèo khó nên mẹ đành ở trong căn nhà cũ. Mong ước của mẹ là trong những năm tháng cuối đời có một căn nhà chắc chắn để ở, để thờ cúng tổ tiên và người con trai đã anh dũng hy sinh vì đất nước. 

Sau một thời gian xét duyệt, năm 2017, gia đình mẹ được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà, đến nay được ở trong ngôi nhà kiên cố mẹ Chụng xúc động chia sẻ: Cả cuộc đời mẹ sống trong ngôi nhà xuống cấp, nay được ở trong ngôi nhà mới, yên tâm khi mùa mưa bão về, mẹ thấy rất vui và cảm động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, các tổ chức, đơn vị. 

Có chung niềm vui như mẹ Chụng, niềm vui cũng vừa đến với gia đình bà Nguyễn Thị Lơ, vợ liệt sĩ, xã Xuân Hòa (Vũ Thư). Bà Lơ chia sẻ: Sau 20 năm sống trong căn nhà lợp bằng prôximăng, rộng 18m2 chật chội, ẩm thấp, tháng 4/2019 gia đình tôi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng, huyện huy động nguồn xã hội hóa được 60 triệu đồng giúp gia đình tôi xây mới lại nhà. Nếu không có số tiền này chắc không bao giờ tôi có căn nhà kiên cố để ở và thờ cúng tổ tiên, người thân. 

Hơn 14.000 hộ NCC đã được hỗ trợ xây, sửa nhà ở là hơn 14.000 niềm vui của các gia đình có công với cách mạng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Không chỉ được xây dựng, sửa chữa nhà ở từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 40 triệu đồng đối với hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa, nhiều địa phương trong tỉnh còn tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để có thêm kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hộ NCC đặc biệt khó khăn như gia đình bà Nguyễn Thị Lơ là một ví dụ. Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho NCC khẳng định chính sách rất kịp thời và ý nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với NCC với cách mạng, giúp các gia đình “an cư lạc nghiệp”, mang niềm hạnh phúc lớn đến với các gia đình. 

Xây dựng nhà ở cho người có công tại xã Thái Phúc (Thái Thụy).

Niềm vui chưa trọn 

Việc triển khai thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC với cách mạng đã mang niềm vui, hạnh phúc đến với nhiều gia đình song bên cạnh đó cũng còn không ít trăn trở. 

Trong danh sách của đề án hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho NCC năm 2013, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Sớn, thôn Lang Trung, xã Trung An (Vũ Thư) thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Theo hồ sơ xét duyệt, mẹ Sớn thuộc diện đối tượng ưu tiên 1 và có quyết định được hỗ trợ kinh phí xây nhà năm 2017. Nhưng mong ước có một ngôi nhà mới để sống những năm tháng cuối đời của mẹ Sớn không thể trở thành hiện thực. Cuối năm 2017, sau nhiều năm chờ đợi để được xây nhà, ở độ tuổi trên 90, sức khỏe yếu, mẹ Sớn đã ra đi. 

Tâm sự với chúng tôi, các con của mẹ Sớn chia sẻ: Lúc còn sống, mẹ tôi luôn ao ước được sống trong căn nhà mới. Chúng tôi rất muốn xây nhà để thỏa ước tâm nguyện của mẹ nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không thể thực hiện được điều này. Đến lúc có thể được cấp tiền hỗ trợ để xây nhà thì mẹ tôi lại không còn. 

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 đến khi có kinh phí trung ương cấp về tỉnh để giải ngân đến các hộ gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở vào năm 2017 là hơn 4 năm chờ đợi. Tuổi cao, sức khỏe yếu, rất nhiều người có công như mẹ Sớn đã ra đi khi chưa kịp đón nhận niềm vui. Song cùng với những người chưa kịp nhận niềm vui ở nhà mới thì cũng có không ít người đã được ở nhà mới nhưng khi ra đi, họ chưa biết liệu con cháu mình có được hưởng chế độ này hay không. 

Anh Nguyễn Văn Bắc, xã Nam Chính (Tiền Hải) cho biết, mẹ anh là bà Hoàng Thị Hiền được tặng huân huy chương, thuộc đối tượng được hỗ trợ xây mới nhà ở. Để thỏa tâm nguyện của mẹ, khi được phê duyệt trong danh sách hỗ trợ xây mới nhà ở, dù chưa được hỗ trợ kinh phí song các con cháu vẫn quyết định gom góp, vay mượn tiền để xây nhà mới cho mẹ. Ở được hơn hai năm trong ngôi nhà mới, vào năm 2015 mẹ Hiền đã ra đi. Song đến thời điểm này cả gia đình không biết liệu có được hỗ trợ kinh phí không. Thực tế, trên địa bàn tỉnh, số trường hợp như gia đình mẹ Hiền là không ít. Các gia đình đều có chung băn khoăn, lo lắng như gia đình của mẹ Hiền. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, trong tổng số 10.609 hộ có nhu cầu cải thiện nhà ở còn lại đã được phê duyệt trong đề án năm 2013, sau rà soát lại vào năm 2018 chỉ còn trên 2.700 hộ đủ yêu cầu được hỗ trợ, còn 7.880 hộ không được phê duyệt (chiếm 30,5% số hộ của đề án) chủ yếu nguyên nhân do đối tượng trực tiếp được hỗ trợ đã chết, đã chuyển đi nơi khác, già yếu không còn nhu cầu xây, sửa nhà hoặc không đủ điều kiện hỗ trợ do hồ sơ không đầy đủ. 

Như vậy, sau hơn 6 năm triển khai chương trình này, niềm vui đã đến với hơn 14.000 gia đình. Song cùng với đó cũng có nhiều trăn trở, băn khoăn của hàng nghìn gia đình khác.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư

Huyện Vũ Thư cũng như nhiều huyện, thành phố trong tỉnh khi triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ của Nhà nước huyện cũng tích cực huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà ở cho người có công. Tuy nhiên, do thời gian triển khai xây dựng nhà ở kéo dài nhiều đối tượng cao tuổi đã mất, chuyển chỗ ở, nhiều trường hợp đã xây nhà nhưng chưa được hỗ trợ... Hiện nay, qua rà soát toàn huyện Vũ Thư còn 15 trường hợp thuộc diện hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở nhưng đều đã mất cả vợ lẫn chồng. Các trường hợp này đều sống cùng con khi họ còn sống nhưng đến nay con họ vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí. Vì vậy, huyện rất mong tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm có cơ chế hỗ trợ để các gia đình không phải chờ đợi, mong ngóng.

Ông Vũ Thanh Lộc, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Nam Chính, huyện Tiền Hải

Xã Nam Chính hiện còn 1 trường hợp là đối tượng huân huy chương chưa được hỗ trợ kinh phí để xây nhà. Thực tế căn nhà được xây mới khi đối tượng hưởng trực tiếp còn sống, sau một thời gian sống cùng với con cháu, do tuổi cao, sức yếu đối tượng đã mất đến nay gia đình vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí. Theo Nghị quyết số 63 của Chính phủ ban hành ngày 25/7/2017: “Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ mà cả người có công và vợ (chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó thì các địa phương rà soát cụ thể từng trường hợp, nếu con của họ thực sự có khó khăn về nhà ở thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác để thực hiện hỗ trợ”. Vì vậy, tôi mong tỉnh và các cấp, các ngành chủ động bố trí kinh phí để sớm hỗ trợ kinh phí cho thân nhân đối tượng.

Ông Mai Xuân Hanh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư

Bố mẹ tôi là đối tượng huân huy chương thuộc diện được hỗ trợ kinh phí để cải thiện nhà ở. Năm 2014, gia đình vay mượn tiền để xây mới lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp với mong muốn bố mẹ được ở trong căn nhà kiên cố lúc tuổi già. Hơn 3 năm sống cùng bố mẹ, đến năm 2017 do tuổi cao cả hai bố mẹ tôi đều đã mất mà vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí. Tiền vay mượn xây nhà đến nay chưa trả hết, vì vậy tôi mong muốn tỉnh sớm có chỉ đạo cụ thể để hỗ trợ kinh phí cho gia đình tôi.


(còn nữa)

Trần Hương - Nguyễn Cường


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày