Chủ nhật, 10/11/2024, 05:41[GMT+7]

Xây dựng nhà ở cho người có công: Vì sao chậm tiến độ? (Kỳ 2)

Thứ 4, 05/06/2019 | 15:22:28
2,087 lượt xem
Hộ đã xây nhà nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí; hộ đã được phê duyệt hỗ trợ kinh phí nhưng chưa muốn xây nhà; nhiều trường hợp có tên trong danh sách đề án được phê duyệt hỗ trợ nhưng không đủ điều kiện; nhiều trường hợp khác đủ điều kiện nhưng lại là những trường hợp phát sinh không trong danh sách đề án được phê duyệt... - đó là những bất cập, tồn tại trong triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho người có công (NCC).

Người có công xã Bách Thuận (Vũ Thư) mong muốn sớm có kinh phí để cải thiện nhà ở.

Kỳ 2: Nhiều nguyên nhân... chậm

Bất cập vì ngành này lập đề án, ngành khác triển khai thực hiện

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 4/2019, toàn tỉnh đã có 15.221 hộ (đạt 59% số hộ của đề án) đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí trong đó 14.244 hộ đã xây mới, sửa chữa xong nhà ở và được giải ngân, còn 977 hộ chưa giải ngân kinh phí nguyên nhân chủ yếu do công trình chưa hoàn thành hoặc không còn nhu cầu. Còn lại 10.609 hộ (chiếm 41% số hộ trong đề án) đang rà soát lại. Qua rà soát lại có 2.729 hộ đủ điều kiện trình UBND tỉnh hỗ trợ; còn 7.880 hộ (chiếm 30,5% số hộ của đề án) không còn nhu cầu hoặc không đủ điều kiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng qua rà soát lại, toàn tỉnh phát sinh mới 3.649 gia đình NCC đủ điều kiện được hỗ trợ có nhà ở dột nát cần được hỗ trợ xây, sửa nhà ở. Như vậy, cùng với 977 hộ đã có quyết định hỗ trợ kinh phí nhưng chưa nghiệm thu được công trình để giải ngân, toàn tỉnh hiện còn hơn 6.300 số hộ đủ điều kiện trong đề án và hộ đủ điều kiện mới phát sinh đang cần được hỗ trợ kinh phí xây, sửa chữa nhà ở.

Tại sao lại nảy sinh những bất cập và có nhiều sự thay đổi như vậy trong việc triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho NCC. Trong lý giải của mình, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích chủ yếu do nguyên nhân khách quan là quá trình từ khi triển khai đề án đến khi có kinh phí trung ương cấp về kéo dài nhiều năm. Cụ thể: việc rà soát, xây dựng đề án từ cuối năm 2013 song đến tận năm 2017 trung ương mới bắt đầu giải ngân kinh phí cho các địa phương. Trong 4 năm này, những quy định về các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ xây, sửa nhà ở đã có nhiều thay đổi ví dụ như trước đây đối tượng bị ảnh hưởng của chất độc da cam/Điôxin chưa thuộc diện được hỗ trợ xây, sửa nhà thì theo quy định mới đây là đối tượng được hỗ trợ xây, sửa nhà. Bên cạnh đó, trong giai đoạn năm 2013 (tức là giai đoạn lập đề án ban đầu), ngành Xây dựng được giao là cơ quan thường trực thực hiện đề án nhưng đến khi đi vào thực hiện (giai đoạn giải ngân kinh phí năm 2017) cơ quan thường trực lại chuyển sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Trải qua nhiều năm và do có sự thay đổi về cơ quan thường trực thực hiện, dẫn đến hồ sơ lưu giữ không còn, khi bước vào giai đoạn giải ngân, phải tiến hành rà soát, làm lại hồ sơ từ đầu. Bên cạnh đó, do khi triển khai đề án trong giai đoạn đầu (năm 2013), Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì trong việc rà soát đối tượng NCC với cách mạng có nhu cầu cải thiện nhà, đây không phải là ngành quản lý đối tượng chính sách, NCC nên việc rà soát, đưa vào diện hỗ trợ chưa chuẩn xác.

Bất cập do thời gian thực hiện kéo dài

Sau rà soát lại, tình trạng của đối tượng cũng như nhà ở của đối tượng đã có nhiều thay đổi. Rất nhiều đối tượng NCC thuộc diện được hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà đã từ trần, chuyển đi sinh sống nơi khác hoặc không còn nhu cầu xây dựng. Đặc biệt, sau 4 - 5 năm, tình trạng nhà ở của đối tượng cũng có nhiều thay đổi. Khi lập hồ sơ vào năm 2013, nhiều nhà ở diện chỉ sửa chữa nhưng khi lập danh sách chốt lại chuyển sang tình trạng phải xây mới, hoặc ngược lại...

Tại xã Quang Trung (Kiến Xương), theo quyết định phê duyệt của tỉnh, toàn xã có 85 hộ nằm trong đề án được hỗ trợ, tuy nhiên trong quá trình triển khai đến nay đã có 48 hộ có sự thay đổi (chiếm tới hơn 50% số hộ) trong đó có 17 hộ chuyển từ xây sang sửa, 11 hộ từ sửa sang xây, 6 hộ đối tượng đã chết, 4 hộ không còn nhu cầu, không có khẩu địa phương 9; một số hộ chuyển đi nơi khác. 

Theo anh Bùi Văn Toàn, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Quang Trung, việc thay đổi trong quá trình triển khai đề án ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ do phải rà soát lại, làm lại hồ sơ, chuyển đổi kinh phí... dẫn đến tiến độ chậm lại.

Cùng với những nguyên nhân khách quan như đã phân tích ở trên thì còn một nguyên nhân không nhỏ là trong các quá trình rà soát, lập hồ sơ tại nhiều địa phương, không ít cán bộ cơ sở có năng lực hạn chế, mang nặng tư duy lợi ích làng xóm, họ hàng dẫn tới việc lập hồ sơ chưa khách quan, công bằng. Có đối tượng thực sự có nhu cầu xây dựng nhà ở nhưng không được thông báo, hướng dẫn làm hồ sơ, có đối tượng không đủ điều kiện lại lọt vào danh sách đề án được hỗ trợ. Thêm đó, sự chậm trễ trong quá trình lập hồ sơ, giải ngân còn có nguyên nhân xuất phát từ phía các gia đình NCC. 

Anh Nguyễn Quang Hùng, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Vân Trường (Tiền Hải) chia sẻ: Việc triển khai thực hiện chế độ đối với đối tượng chính sách, NCC luôn là một việc làm cần phải thận trọng vì liên quan đến nhiều hồ sơ, giấy tờ song việc thực hiện chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho NCC những năm qua là một trong những công việc khó khăn nhất trong thực hiện chính sách cho NCC từ trước tới nay. 

Theo chia sẻ của anh Hùng, từ lúc rà soát, lập đề án ban đầu vào năm 2013 đến nay, cùng với những thay đổi trong rà soát, lập lại danh sách do cơ quan cấp trên yêu cầu, bản thân các đối tượng được hỗ trợ xây, sửa nhà ở cũng liên tục thay đổi quyết định, khi thì muốn xây mới, khi thì muốn sửa nhà, khi thì quyết tâm xây, lúc lại không còn nhu cầu đã dẫn đến nhiều khó khăn cho cán bộ cơ sở và dẫn đến việc chưa thể giải ngân kinh phí cho một số hộ. Bên cạnh những gia đình ngập ngừng giữa xây và sửa, cũng có những gia đình hoàn toàn vì lý do khách quan mà chưa thể khởi công xây nhà như đột ngột trong gia đình có người thân qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo... nên đành phải dừng lại mong muốn có nhà mới.

Ông Vũ Văn Trí, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Hưng

Trong quá trình triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện Đông Hưng đã tích cực vào cuộc với mong muốn người có công sớm được xây dựng nhà. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nhà ở kéo dài thời gian, kinh phí chậm giải ngân nên dẫn đến tiến độ xây dựng nhà ở cho người có công chậm lại. Bên cạnh đó, một số địa phương cán bộ chuyên môn năng lực còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc triển khai chậm. Việc tuyên truyền tại cơ sở về những văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh chưa cụ thể dẫn đến nhiều người có công chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ. Chính quyền một số địa phương thực sự chưa vào cuộc quyết liệt, công việc giao cho cán bộ chuyên môn nhưng không có sự kiểm tra, giám sát dẫn tới nhiều hộ không đạt yêu cầu vẫn có trong danh sách phải rà soát lại cũng là lý do dẫn tới tiến độ xây dựng chậm lại.

Ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Tây Tiến (Tiền Hải)

Toàn xã Tây Tiến có 78 hộ thuộc diện hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết tháng 4/2019 mới chỉ có 57 hộ có quyết định phê duyệt kinh phí của tỉnh, 1 hộ từ nguồn kinh phí xã hội hóa, 20 hộ còn lại chưa có quyết định phê duyệt xuất phát từ nhiều lý do, một số hộ phải thẩm định lại, có hộ đi vắng, hộ chết cả vợ chồng, hộ không đủ điều kiện, không có nhu cầu... nên việc hoàn thiện lại hồ sơ mất nhiều thời gian dẫn đến tiến độ xây dựng nhà ở chậm so với kế hoạch. Đây là khó khăn chung của nhiều xã trong huyện chứ không riêng Tây Tiến. Để hoàn thành kế hoạch, theo tôi không chỉ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương mà bản thân hộ người có công cũng phải chủ động phối hợp và thống nhất để thực hiện thì mới bảo đảm tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Văn Bốn, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Bách Thuận (Vũ Thư)              

Triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, cấp xã là đơn vị trực tiếp rà soát các hộ để lập danh sách. Tuy nhiên, khi địa phương đã hoàn thiện chuyển hồ sơ lên cấp trên các hộ người có công tiếp tục phải chờ đợi kết quả xét duyệt mất thời gian mới có quyết định hỗ trợ kinh phí, việc triển khai bị chậm lại. Chưa kể đến việc bản thân người có công cũng thay đổi quyết định dẫn đến khó khăn cho cán bộ cơ sở trong việc lập danh sách để đề nghị hỗ trợ kinh phí.


(còn nữa)

Trần Hương - Nguyễn Cường



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày