Thứ 7, 23/11/2024, 13:50[GMT+7]

Nhận diện và giải pháp ngăn chặn "tín dụng đen" (Kỳ 2)

Thứ 6, 23/08/2019 | 09:39:30
3,774 lượt xem
Do nhu cầu vay vốn tăng cao cộng với sự thiếu hiểu biết của một số người dân dẫn đến sự gia tăng hoạt động của “tín dụng đen” với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi công tác kiểm soát lại gặp nhiều khó khăn.

Kiểm tra các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ

Kỳ 2: Bản chất của "tín dụng đen"

Nhận diện “tín dụng đen”
 
Thượng tá Nhâm Ngọc Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Qua rà soát nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh hiện có 148 công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính; 177 cơ sở dịch vụ cầm đồ; 17 nhóm, 136 đối tượng hoạt động liên quan đến cho vay “tín dụng đen”. Thành phần tham gia chủ yếu là các đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án, tiền sự, liên kết thành nhóm; xuất hiện nhiều đối tượng từ tỉnh ngoài đến, hoạt động tinh vi, manh động, có nhiều phương thức thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng.  Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường sử dụng các hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với nội dụng như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần bản phôtô một số giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy… là nhận tiền ngay. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược với cơ quan công an.

Một cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Đặc biệt, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức tổ chức phường, họ (phường, hụi) biến tướng không theo quy định của pháp luật với lãi suất rất cao để thu hút người dân góp tiền. Bằng thủ đoạn tự đánh bóng bản thân, khoe khoang có các mối làm ăn và đầu tư lớn nên những người đi vay tiền dễ dàng lừa đảo được hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của nhiều người, rồi sau đó bỏ trốn. Vì hám lợi, nhiều người đi đã gom tiền của nhiều người (kể cả người thân trong gia đình) để cho vay lấy lãi; thậm chí có người còn thế chấp nhiều sổ đỏ vay tiền ngân hàng, sau đó đem về cho vay “tín dụng đen” ăn lãi suất chênh lệch. Đến khi xảy ra vỡ nợ đã phải bán cả nhà cửa, gia tài trả nợ mà chẳng thấm vào đâu. 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ vỡ phường, hụi, nhiều người ôm tiền rồi bỏ trốn. Trong đó, vụ vỡ phường hụi tại xã Thụy Phong (Thái Thụy và xã An Đồng (Quỳnh Phụ) là điển hình. Tại xã Thụy Phong 168 hộ dân trong xã tham gia chơi phường của 4 chủ phường trong xã với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, người ít nhất là 7 triệu đồng, người nhiều nhất lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Chỉ vì hám lợi, nhiều người đã thế chấp tài sản vay tiền để góp cho chủ phường để hưởng lãi suất chênh lệnh. Thế nhưng, chủ phường đã ôm tiền bỏ trốn từ nhiều tháng nay khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

“Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Vay dễ - trả khó

Do đặc điểm của “tín dụng đen” là lãi suất rất cao, nếu không trả đủ lãi thì sẽ cộng dồn vào tiền gốc, “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền nợ ngày càng nhiều lên. Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, xuất hiện tình trạng các đối tượng “đầu gấu, xăm trổ” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn khu dân cư, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc. Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.

 Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ

Theo báo cáo của Công an tỉnh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ việc về an ninh trật tự liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở gồm: 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1 vụ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, 6 vụ cố ý gây thương tích, 2 vụ hủy hoại tài sản và 13 vụ đe dọa, đổ chất bẩn vào nhà, gây rối trật tự công cộng. 

Điển hình: ngày 19/8/2018, chị Tô Thị Lan Hương ở xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải là nhân viên văn phòng tại Trường THCS xã Đông Trung đang làm việc ở trường thì bị 3 đối tượng đến trường tìm và đánh chị để đòi nợ. Nguyên nhân là do đầu tháng 6/2017, chị Hương có vay của Công ty cho vay hỗ trợ tài chính Luyên Thành (thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải) số tiền 60 triệu đồng nhưng đến hạn chưa trả được. Khoảng tháng 7 - 8/2017, Vũ Hữu Cương ở xã Thụy Văn, huyện  Thái Thụy có vay tiền của Công ty hỗ trợ tài chính Mạnh Hương (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Đến đầu năm 2018 do không có tiền trả nợ, Cương đã trốn khỏi địa phương. Cùng thời điểm này có một số đối tượng tự xưng là người đòi nợ thuê cho Công ty hỗ trợ tài chính Mạnh Hương thường xuyên đến nhà bố và chị gái Cương chửi bới, đe dọa, ném chất bẩn vào nhà để đòi tiền nên chị gái Cương đã trả 80 triệu đồng cho các đối tượng. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến tháng 11/2018, có nhiều nhóm thanh niên vẫn tìm đến nhà bố Cương bảo con trai ông vẫn còn nợ tiền đe dọa, ném chất bẩn vào nhà bắt ông trả nợ cho con trai. Lực lượng công an đã gặp gỡ, lấy lời khai, khuyên gia đình gọi Cương về để phối hợp giải quyết vụ việc.

Phóng viên Báo Thái Bình thu thập thông tin từ cơ quan công an

Theo đánh giá của Thượng tá Nhâm Ngọc Bình: Nguyên nhân hoạt động“tín dụng đen” gia tăng là do lối sống buông thả của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên không có công ăn việc làm ổn định, tham gia cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện ma túy… dẫn đến phải đi “vay nóng” để trả nợ với lãi suất cao nhưng không có khả năng chi trả. Nhu cầu vay vốn của người dân lớn, nhất là vay tiêu dùng nhưng không phải ai cũng vay vốn dễ dàng ở ngân hàng và muốn vay thì cũng phải hoàn thiện các thủ tục theo hệ thống quy trình, quy định nội bộ của ngành chặt chẽ, đặc biệt phải thực hiện theo Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong khi đó, các địa chỉ “tín dụng đen” lại hoạt động tự do, chào mời rằng không cần thế chấp, thủ tục thì đơn giản hơn nhiều lần. Điều này kết hợp với tâm lý “ngại” của khách hàng khiến nhiều người vẫn sẵn sàng vay “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, cũng có một số người dân có hoàn cảnh khó khăn không có tài sản thế chấp để nên phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, việc bùng nổ mạng xã hội, mạng viễn thông làm cho việc quảng cáo cho vay tài chính cũng như việc tiếp cận các đối tượng vay hết sức dễ dàng. Thậm chí, đối tượng cho vay có thể “chọn lọc”, “lựa chọn” nhóm đối tượng tiềm năng dễ nảy sinh nhu cầu vay nhắm đến như: sinh viên, người làm văn phòng, công chức… từ đó tập trung quảng cáo, thu hút người vay mà không cần đăng ký kinh doanh hay có địa điểm, cửa hàng cố định.

(Còn nữa)

Nguyễn Hình – Nguyễn Tùng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày