Thứ 4, 13/11/2024, 06:51[GMT+7]

Để “tàu 67” không chịu cảnh nằm bờ (tiếp theo và hết)

Thứ 4, 25/09/2019 | 09:06:37
3,105 lượt xem
Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được kỳ vọng là cơ hội để ngư dân đổi đời. Song để sự kỳ vọng đó trở thành hiện thực đòi hỏi các ngành chức năng cần có những giải pháp tích cực gỡ khó cho ngư dân để “tàu 67” sớm vươn khơi hiệu quả.

Tàu hậu cần nghề đóng cá theo Nghị định số 67 của ngư dân huyện Tiền Hải.

Kỳ 3: CẦN CÓ GIẢI PHÁP GỠ KHÓ ĐỂ “TÀU 67” VƯƠN KHƠI HIỆU QUẢ

Tâm tư tàu cá

Lâu nay nói đến Nghị định số 67, hầu như ngư dân và các sở, ngành, địa phương mới chỉ quan tâm đến vốn, còn thực tế khai thác, vận hành con tàu đó như thế nào cho hiệu quả thì chưa được quan tâm một cách đúng mức. 

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Đặng Thanh Khuyên, chủ tàu cá TB 92989.TS, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) khẳng định: Tôi luôn xác định vốn đóng “tàu 67” là vốn vay mà đã là vốn vay thì tôi sẽ tìm mọi cách để trả nợ, cho dù đến phương án cuối cùng là chấp thuận để cho ngân hàng được toàn quyền xử lý tài sản thế chấp là con tàu để thu hồi nợ. Tuy nhiên, điều khiến tôi và các chủ tàu khác đang rất lo lắng nhất là mỗi khi có bão về, bởi bão có thể sẽ gây thiệt hại rất lớn cho con tàu do cảng cá không có âu thuyền để tàu có thể vào nơi neo đậu an toàn. Chính vì thế, tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ với “tàu 67” để tàu có thể dễ dàng cập bến neo đậu; đồng thời, cho phép chủ tàu được chuyển đổi nghề đối với các trường hợp đủ điều kiện. 

Thực tế cho thấy, do không được phép dùng “tàu 67” để khai thác lồng ghẹ nên để gỡ khó trong thời gian trước mắt ông Khuyên đã phải đầu tư thêm 1 chiếc tàu có công suất nhỏ với chi phí hơn 800 triệu đồng. Tính sơ bộ mỗi chuyến đi khai thác lồng ghẹ kéo dài khoảng 1 tháng có thể mang lại cho ông Khuyên hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Đó chính là nguyện vọng không chỉ của ông Khuyên mà cũng là nguyện vọng chung của các chủ tàu cá khi tham gia đóng tàu theo Nghị định số 67. Các tàu cá hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển, ngoài những rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai trên biển, bị tàu nước ngoài đâm va, hải tặc) còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác (thời tiết xấu, bão gió không đi biển được; ngư cụ, lưới bị đứt, rách; ra khơi nhưng không khai thác, thu mua được hải sản do nguồn lợi hải sản giảm, không gặp được luồng cá...) dẫn đến thua lỗ trong các chuyến đi biển, ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ vay ngân hàng. Do vậy, các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp chủ tàu vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục phát triển sản xuất như: quy định mỗi khoản vay đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67 được gia hạn nợ từ 1 - 2 lần (không bị chuyển nhóm nợ); giữ nguyên lãi suất hỗ trợ (1%) khi chủ tàu chậm trả nợ ngân hàng, có cơ chế thực hiện giãn nợ; tăng tỷ lệ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm từ 50% theo Nghị định số 17 lên 90% như Nghị định số 67; có cơ chế giúp ngành Ngân hàng tháo gỡ việc xử lý nợ xấu trong cho vay theo Nghị định số 67...

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, một số chủ “tàu 67” đã đầu tư thêm tàu khác với công suất nhỏ để khai thác lồng ghẹ.


 Những giải pháp tình thế, trước mắt

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để khắc phục bước đầu những khó khăn, tồn tại trong triển khai thực hiện Nghị định số 67, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67 và Nghị định số 17 của Chính phủ để ngư dân hiểu đúng, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình về phần vốn vay trước pháp luật; tích cực hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác các đối tượng thủy sản còn tiềm năng nguồn lợi, có giá trị kinh tế, thực hiện sản xuất theo tổ đội trên biển để giảm chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên để yêu cầu các chủ tàu cá thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng thời gian quy định; tổ chức lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá theo quy định (qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 419 tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình); rà soát, đánh giá thực tế hoạt động sản xuất của chủ tàu; chủ động khuyến cáo ngư dân tranh thủ thời gian chuyển mùa, thực hiện duy tu sửa tàu thuyền ngư cụ để chuẩn bị khai thác đạt hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật liên quan đến việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; kiểm soát hoạt động của tàu cá tại cảng cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác phục vụ cho việc chứng nhận, xác nhận...

“Khuyến cáo các chủ tàu khai thác hải sản xa bờ: cần mua sắm đầy đủ trang thiết bị, cứu sinh, cứu hỏa, chống đăm, thủng... để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi hoạt động trên biển; trong quá trình khai thác luôn chú ý an toàn và theo dõi sát sao diễn biến thời tiết. Trước khi đi biển cần bám sát thông báo thông tin dự báo ngư trường các vùng biển của Chi cục để tìm hiểu thật kỹ thông tin ngư trường định khai thác, dự báo ngư trường có năng suất và sản lượng cao để lựa chọn ngư trường khai thác sao cho đạt năng suất và hiệu quả cao nhất”.

Ông Hoàng Minh Giang
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản


Phan Lợi - Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày