Thứ 4, 13/11/2024, 06:50[GMT+7]

Giải bài toán nông dân bỏ ruộng (tiếp theo và hết)

Thứ 3, 01/10/2019 | 08:27:33
6,511 lượt xem
Để giải quyết tình trạng đất lúa bị bỏ hoang không sản xuất cần nhiều giải pháp, cơ chế đồng bộ, trong đó tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân là hướng đi tất yếu, mang tính bền vững.

Từ cánh đồng trồng ngô, cấy lúa kém hiệu quả, nông dân xã Hồng Lý (Vũ Thư) trồng cam canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỳ 3: Tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu

Thôn Chín, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) hiện có 9ha đất sản xuất bị bỏ hoang (chiếm 30% diện tích đất sản xuất của thôn). Ông Phạm Văn Tiên, Trưởng thôn Chín cho biết: Do cấy lúa hiệu quả thấp nên một số hộ trong thôn đã chuyển đổi sang trồng rau muống, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa. Nhiều hộ có ruộng bỏ hoang mong muốn và đề nghị xin chuyển từ đất lúa sang đào ao thả cá, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả..., tuy nhiên các cấp chính quyền chưa cho phép vì có thể phá vỡ mặt bằng quy hoạch đất trồng lúa chung của địa phương. Riêng ở thôn Chín, nếu được phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa, tôi nghĩ chắc chắn sẽ không có tình trạng ruộng bị bỏ hoang lãng phí như hiện nay.


Cùng quan điểm như ông Tiên, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc HTXNN xã Hòa Bình (Vũ Thư) cho rằng: Đối với các diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả nằm gần các khu dân cư, khu xen kẹp, chéo méo, khi quy hoạch không làm phá vỡ mặt bằng cấy lúa chung thì các cấp chính quyền nên tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng các loại cây, con khác nhằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa. Đó là giải pháp vừa hạn chế tình trạng bỏ ruộng vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.


“Tuy nông dân không còn mặn mà, thiết tha với sản xuất nông nghiệp, bỏ ruộng hoang hóa song có một thực tế là hầu hết các hộ dân lại có tư tưởng “khư khư” giữ ruộng, tâm lý chờ nhà nước quy hoạch dự án để được nhận tiền đền bù. Cả xã Minh Khai (Vũ Thư) hiện có hơn 20ha ruộng bị bỏ hoang nhưng HTXNN không nhận được lá đơn xin trả ruộng nào của bà con. Cá nhân tôi nghĩ cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong công tác quản lý đất sản xuất nông nghiệp, ví dụ, đối với những diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà bị bỏ hoang, không sản xuất 2 - 3 vụ liên tiếp thì địa phương sẽ thu hồi để giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sản xuất. Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm của nông dân đối với mảnh ruộng mà mình được cấp quyền sử dụng. Tôi rất mong có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của trung ương, tỉnh, huyện về việc thu hồi ruộng bị người dân bỏ hoang” - ông Phạm Văn Thứ, Giám đốc HTXNN xã Minh Khai (Vũ Thư) chia sẻ.

Nông dân xã Tân Lập (Vũ Thư) đầu tư nhà lưới để tăng hiệu quả sản xuất.


Với rất nhiều hệ lụy gây ra từ việc bỏ ruộng hoang, huyện Vũ Thư sớm quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng này. Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi kết thúc vụ mùa năm 2019, huyện sớm chỉ đạo các HTXNN tiến hành rà soát, thống kê chi tiết những diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang để có định hướng chỉ đạo. Những giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang là huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị ở cơ sở tích cực hơn, sâu sát hơn trong chỉ đạo, điều hành sản xuất ở từng thời vụ. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền thôn tăng cường đôn đốc, tuyên truyền, vận động bà con về hậu quả, tác động của việc bỏ ruộng hoang. Bước vào mỗi vụ sản xuất, HTXNN các xã và ban công tác mặt trận các thôn sớm nắm bắt tư tưởng của các hộ dân để dự báo sớm những diện tích sản xuất có thể sẽ bị nông dân bỏ hoang từ đó có định hướng, điều hành sản xuất kịp thời như vận động các hộ không sản xuất cho các hộ có điều kiện nhân lực, máy móc mượn ruộng để sản xuất hoặc thôn, xã sẽ vận động, có cơ chế khuyến khích các đoàn thể huy động hội viên tham gia gieo cấy lúa. Để thực hiện được việc này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, sâu sát và chủ động của cán bộ cơ sở. Giải pháp dài hơi nhằm giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ ruộng là phải làm sao tăng hiệu quả sản xuất trên mỗi cánh đồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các địa phương phải tiến hành rà soát, quy hoạch đồng ruộng để thực hiện việc tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc làm giảm công lao động và chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả sản xuất. Sau khi tích tụ được ruộng đất, huyện sẽ vận động, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch, điều kiện đất đai của từng địa phương. Huyện sẽ xây dựng, ban hành các đề án phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, phát triển đàn trâu, bò... nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đất đai của từng vùng, từng xã. Để giảm thiểu, hạn chế tối đa đất ruộng bị bỏ hoang, cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành từ trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở, góp phần tránh lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn. Vấn đề nông dân bỏ ruộng là hồi chuông cảnh báo để các cấp, các ngành có sự vào cuộc sớm, định hướng, chỉ đạo, triển khai nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân theo hướng bền vững.


Quỳnh Lưu


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày