Thứ 7, 23/11/2024, 17:37[GMT+7]

Vũ Đoài: Nuôi cá chép đỏ phục vụ tết ông Công, ông Táo

Thứ 6, 17/01/2020 | 15:09:21
7,064 lượt xem
Theo văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời. Người dân thường dâng cúng cá chép đỏ làm “phương tiện” để các ông về trời. Vì vậy nhiều hộ dân trong tỉnh đã gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ phục vụ tết, điển hình như xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Sau khi thu hoạch dưới ao, cá chép đỏ được thả trong bể chứa chờ thương lái đến thu mua.

Đến xã Vũ Đoài những ngày này, đâu đâu cũng thấy ô tô, xe máy chở cá chép đỏ ra vào tấp nập. Từ đầu làng tới cuối xóm, những hộ dân nuôi cá chép đỏ đang tất bật tát ao, quăng chài, thả lưới, bắt cá. 

Tại hộ nhà ông Phạm Văn Tiệp ở thôn 2, sau khi kéo lưới xong, những mẻ cá chép rực rỡ sắc đỏ được đưa vào bể chứa. Ông Tiệp cho biết: Gia đình tôi đã gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ gần 20 năm nay. Với diện tích mặt nước gần một mẫu, quanh năm tôi nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm, trôi, mè… Đến tầm tháng 7 âm lịch hàng năm tôi bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Tôi nuôi thêm các cặp cá bố mẹ và tự gây cá bột để lấy giống. Sau khoảng 5 tháng nuôi thả chăm sóc đến khi thu hoạch cá chép đỏ có trọng lượng khoảng 25 con/kg, cá có kích cỡ vừa phải, màu sắc tươi đỏ bắt mắt. Các thương lái sẽ đến xem, đặt hàng từ trước, khoảng 15 – 20/12 âm lịch tôi tiến hành thu hoạch và chờ thương lái tới thu mua mang đi các tỉnh phục vụ tết ông Công, ông Táo.

Nuôi cá chép đỏ cho người dân thu nhập ổn định. 

Kế sát bên nhà ông Tiệp là hộ gia đình ông Lương Văn Hải cũng đang tát 7 sào ao nuôi cá chép đỏ. Ông Hải phấn khởi khoe: Năm nay khí hậu, thời tiết thuận lợi nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển tốt, không bị mắc bệnh nấm mang như năm trước. Dự kiến nhà tôi thu hoạch được gần 1 tấn cá chép đỏ. Với mức thu mua 40.000 – 50.000 đồng/kg như hiện nay thì ước thu nhập khoảng hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 20 triệu đồng. Thương lái đã đến đặt cọc từ đầu tháng và hẹn ngày 21/12 âm lịch sẽ đến thu mua.

Tại ao cá rộng hơn một mẫu của gia đình ông Phạm Văn Thụ ở thôn 4 cũng được huy động nhiều máy bơm nước, mực nước trong ao đang dần được rút cạn để lộ ra lớp lớp cá chép đỏ quẫy tung bọt trắng. Nhìn ao cá đỏ rực, các thành viên trong gia đình ông đều vui mừng vì có thêm nguồn thu nhập. 

Ông Thụ chia sẻ: Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ năm 2014, tôi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ, mỗi năm mua 30.000 con giống với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng về nuôi thả. Thức ăn cho cá chép đỏ khá đơn giản, ít tốn kém, có thể tận dụng cỏ, rau băm, ngô nấu cùng dọc khoai, kết hợp cho ăn thêm cám viên. Cá chép đỏ có sức đề kháng tốt nên trong quá trình nuôi ít gặp rủi ro, thời gian nuôi ngắn hơn so với các loại cá truyền thống nên nhanh cho thu hoạch. Để bảo đảm sức khỏe cho cá và không bị xây xước vây, vảy trong quá trình thu hoạch, tôi thường kéo lưới lúc sáng sớm khi cá còn đói bụng. Tùy vào nhu cầu thị trường hàng năm mà thương lái thu mua cá chép đỏ với giá dao động từ 40.000 – 90.000 đồng/kg. Sau 5 tháng nuôi thả và trừ chi phí, chỉ riêng nuôi cá chép đỏ cho nhà tôi thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Vũ Đoài là 90ha với khu chuyển đổi tập trung khoảng 30ha, còn lại là diện tích nuôi xen kẽ trong khu dân cư. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ nuôi cá chép đỏ với diện tích gần 20ha. Chuẩn bị cho tết ông Công, ông Táo, người dân tập trung thu hoạch để thương lái đến thu mua kịp thời phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương… 

Nghề nuôi cá chép đỏ ở địa phương không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thanh Huyền



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày