AI ƠI...CHỚ BỎ RUỘNG HOANG KỲ IV: Những điền chủ
“Đánh thức” ruộng hoang
Cả vùng đất rộng 4ha ngoài đê ven sông Diêm Hộ, thuộc xã Thụy Thanh (Thái Thụy) cấy lúa kém hiệu quả, nhưng dưới bàn tay và khối óc của anh Nguyễn Duy Dự giờ đã trở thành trang trại bốn mùa xanh mướt, trĩu quả, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Video: nguyen_duy_du.mp4
Trong khi nhiều nông dân không mặn mà với cây lúa thì chàng trai trẻ Nguyễn Văn Kiên ở xã Tân Phong (Vũ Thư) lại gom từng mảnh ruộng bỏ hoang tạo thành vùng sản xuất lớn để cấy lúa. Anh Kiên chia sẻ: Từ bé tôi đã gắn bó với ruộng đồng, thấy bà con bỏ ruộng phí quá nên năm 2017 đề nghị với UBND xã cho thuê lại để cấy lúa. Vụ đầu tôi thuê 10ha, sau có kinh nghiệm và hiệu quả nên tăng diện tích lên 15ha với mức giá 60kg thóc/sào/năm trong vòng 10 năm. Tôi đầu tư gần 2 tỷ đồng mua mua các loại máy móc, phương tiện và thuê nhân công đào đắp hệ thống mương máng, cải tạo đồng ruộng để phục vụ sản xuất; chọn cấy những giống lúa thị trường cần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cộng thêm thời tiết thuận lợi nên mấy năm nay lúa đều được mùa. Qua từng vụ sản xuất lượng thóc thu được tăng lên, vụ mùa năm 2019, tôi thu được 100 tấn thóc, bán luôn cho công ty chế biến nông sản được khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ vụ đông 2019, anh Kiên trồng thêm 15ha bí xanh, bí đỏ và ngô để có thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, anh thuê 15 lao động địa phương vào làm cho gia đình với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
“Người ta muốn rũ ruộng ra còn tôi lại muốn ôm vào. Thấy tôi không quản đêm ngày đổ mồ hôi, công sức để cải tạo khu đồng hoang, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng cuối cùng mọi cố gắng, công sức của tôi bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng” - anh Nguyễn Văn Kiên, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư.
Sau nhiều ngày trăn trở, anh Nguyễn Văn Hoè, thôn Phúc Hạ, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) nhận ra rằng, chính việc canh tác trên những thửa ruộng manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất tăng cao. Nếu khắc phục được nhược điểm này và đầu tư đồng bộ chắc chắn cây lúa sẽ trả công xứng đáng cho người trồng. Lúc đầu, anh thuê gom dồn được 5 mẫu ruộng, tiến hành cải tạo lại đồng ruộng, khắc phục tình trạng manh mún, đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác.
Anh Hoè dành hơn 10ha để trồng cây vụ đông sớm
Đất đã không phụ công người khi năng suất lúa luôn đạt 2,3 - 2,5tạ/sào/vụ. Cứ thế, cái ý nghĩ “làm ruộng thì ra, làm nhà thì thiếu” đã thôi thúc anh tiếp tục “ôm” hết những diện tích đất nông nghiệp hoang hóa ở địa phương. Những cánh đồng bị bỏ hoang, chỉ để cỏ dại mọc khi xưa qua bàn tay của anh Hoè đã được cải tạo thành cánh đồng lúa xanh mượt trải dài. Sau nhiều năm không ngừng mở rộng diện tích, hiện anh Hoè xây dựng cánh đồng lớn diện tích trên 25ha, mỗi năm 2 vụ lúa và vụ đông với các cây trồng chủ lực như khoai tây, khoai lang, rau màu và cây dược liệu. Anh Hoè chia sẻ: Làm nông nghiệp thời nay phải mở rộng sản xuất và liên kết với doanh nghiệp thì đầu ra cho nông sản mới ổn định. Trước đây thuê ruộng của bà con để sản xuất nông nghiệp rất khó, nhưng hiện nay bà con bỏ hoang quá nhiều nên không phải thuê, ruộng ngoài đồng với những chân ruộng tốt, màu mỡ rất nhiều chỉ không có sức mà làm. Diện tích 2 vụ lúa và rau màu vụ động của gia đình anh Hoè luôn cho năng suất, chất lượng cao, đầu ra sản phẩm ổn định, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, ngoài ra anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Gần 1ha trồng dưa chuột của gia đình anh Hoè đã được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Video: tong_hop_3_xa.mp4
Nông dân trở thành người làm công cho các “điền chủ” sau khi cho thuê lại ruộng với thu nhập 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Có không cần, cần không có
Chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi cho giá trị kinh tế cao hơn ở xã Thụy Thanh (Thái Thụy).
Mặc dù Thái Bình đưa ra nhiều giải pháp, đạt được những kết quả bước đầu song việc tập trung tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn quá nhiều “rào cản”. Ở một số địa phương, khi nông dân bỏ ruộng, chính quyền rà soát, quy hoạch, tích tụ ruộng đất để cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất lại không thể làm nổi. Ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã An Ấp (Quỳnh Phụ) trăn trở: An Ấp hiện có khoảng 70 ha ruộng bỏ hoang, nhiều diện tích ven đường giao thông canh tác rất thuận lợi nhưng bà con cũng không cấy gây lãng phí đất đai. Đã có doanh nghiệp đề nghị chính quyền địa phương cho thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên qua thăm dò ý kiến người dân ai cũng muốn giữ ruộng không muốn cho thuê mà họ chờ các dự án công nghiệp về hoặc quy hoạch khu dân cư, khi nhà nước thu hồi đất sẽ nhận tiền đền bù.
Mô hình tích tụ ruộng đất, trồng cà chua trong nhà kính của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân.
Video: toan_van.mp4
Chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình).
Khung pháp lý cho tập trung, tích tụ đất đai hiện còn nhiều bất cập. Theo điều 126, Luật Đất đai năm 2013 thì đối với đất công ích, UBND xã chỉ được phép cho thuê thời hạn tối đa 5 năm, đối tượng thuê đất chỉ là hộ gia đình, cá nhân. Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các mô hình tích tụ chưa bảo đảm về thủ tục đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương; còn đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua HTX DVNN và UBND xã. Với trường hợp của Công ty Cổ phần sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hưng Khang Nghĩa thuê 30ha đất nông nghiệp của nông dân 2 xã Thụy Phong và xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy cũng đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng cải tạo lại đồng ruộng, đầu tư hệ thống thủy lợi và mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Theo anh Vũ Khiêm đại diện công ty: Toàn bộ nguồn vốn này Công ty phải tự xoay sở bởi đất sản xuất là đất thuê nên không thể dùng đất thuê đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Thời gian thuê đất của nông dân ngắn nên cũng không yên tâm đầu tư vốn lớn để sản xuất.
Mô hình tích đất trồng cam ở xã Cộng Hòa (Hưng Hà)
“Rào cản” nữa là các hộ cá nhân hoặc doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao là chi phí đầu lớn nhưng lợi nhuận thấp, thời gian quay vòng vốn lâu mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và đầu ra cho sản phẩm. Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân chia sẻ: Năm 2018, Công ty đầu tư xây dựng Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 6ha tại xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình). Đây vốn là diện tích ruộng nông dân bỏ không cấy nhưng doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian thỏa thuận với từng người dân, thực hiện các thủ tục chuyển nhượng đất. Khó khăn nữa là chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần vốn rất lớn, để sản xuất có lãi hiệu quả phải từ 10 năm trở lên nhưng cũng chưa được vay vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi.
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Không cho đất nghỉ 07.11.2024 | 09:00 AM
- Căng mình chống lũ 12.09.2024 | 09:45 AM
- Xã Vũ Vân khẩn trương ứng phó với lũ dâng gây ngập lụt 11.09.2024 | 19:36 PM
- Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê 08.08.2024 | 21:03 PM
- Nhân dân Thái Bình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25.07.2024 | 15:11 PM
- Chạy đua cùng thời vụ 10.07.2024 | 08:47 AM
- Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thôngKỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm 27.05.2024 | 10:34 AM
- Limousine X.E Việt Nam Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vincom Shophouse 08.05.2024 | 15:26 PM
- Nhân dân đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 24.03.2024 | 21:56 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng