Thứ 5, 14/11/2024, 23:41[GMT+7]

AI ƠI...CHỚ BỎ RUỘNG HOANG KỲ V: Để "tấc đất" vẫn là "tấc vàng"

Chủ nhật, 20/10/2019 | 13:21:27
2,824 lượt xem
Ruộng đồng vẫn giàu tiềm năng sinh ra của cải, có điều tiềm năng ấy lại đang bị “trói” bởi nhiều yếu tố. Người nông dân vẫn phải tự loay hoay với ruộng đồng, để rồi bĩ cực phải buông “tấc vàng”. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cần một chính sách mới đủ sức tạo ra động lực mới để “tấc đất” vẫn là “tấc vàng”.

Mô hình trồng cà chua theo công nghệ Israel của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình)

(Tiếp theo và hết)

Tìm lời giải

Theo ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nông dân bỏ ruộng trong bối cảnh hiện nay thể hiện tính quy luật của sự phát triển, của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn và sự chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai quý như vàng, không thể bỏ hoang mà cần phải có giải pháp đồng bộ để khai thác một cách hiệu quả.

Mô hình chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả của anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 5 nhóm giải pháp đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, Thái Bình tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ quy mô 250 ha tại huyện Quỳnh Phụ đang được khẩn trương đầu tư xây dựng hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho nông nghiệp Thái Bình.

Video: an_ninh.mp4

Cùng với Hà Nam, Thái Bình được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Khi đề án được phê duyệt sẽ giúp tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ nông nghiệp cao, sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường. Theo ông Dụng đề án sẽ là “chìa khoá” giải quyết tình trạng ruộng bỏ hoang, tháo gỡ bế tắc trong tích tụ ruộng đất hiện nay. 

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVI, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng xuất hiện nhiều nơi, có nơi để ruộng hoang hóa 1- 2 năm. Việc lao động nông thôn chuyển đổi sang ngành nghề công nghiệp, dịch vụ là xu thế tất yếu, vấn đề là chúng ta phải có giải pháp giải quyết tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Một trong những giải pháp trước mắt cần làm là tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất tạo ra điều kiện sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, với những mô hình hiện chúng ta đã có thì phải tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, có thể thỏa thuận thuê đất với người nông dân thông qua chính quyền địa phương để tạo ra khu vực tích tụ ruộng đất lớn như dự án của Thaco tại huyện Quỳnh Phụ. Vấn đề quan trọng là các huyện, thành phố phải quan tâm chỉ đạo để doanh nghiệp và người dân đến được với nhau, chính quyền sẵn sàng bảo lãnh để thực hiện thỏa thuận giữa nông dân và doanh nghiệp.

Cây ớt ở xã An Ấp (Quỳnh Phụ)

Trước yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác phải đạt giá trị cao hơn so với trồng lúa; tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của Nhà nước; đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch từ cơ sở; huy động nguồn lực của nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và hội nhập quốc tế.

Cánh đồng bãi ven sông Luộc của xã Điệp Nông (Hưng Hà)

Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000ha, đến năm 2030 chuyển đổi được khoảng 30.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, hoa, cây cảnh có giá trị cao hơn trồng lúa. Một trong những giải pháp mà Nghị quyết đặt ra là điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Việc lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch nêu trên là tiền đề quyết định cho việc thực hiện các bước tiếp theo, phải được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước, hoàn thành từ đầu năm 2020.

Mô hình tích tụ ruộng đất tập trung tại xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho thu nhập 400 – 500 triệu đồng/ha/năm

Video: ong_dung.mp4

Hạn điền – "tấm áo quá chật"

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed thì: Bỏ ruộng cũng không hoàn toàn là tiêu cực. Bỏ ruộng, trả ruộng để thoát nghèo, để làm việc khác hiệu quả hơn xét cho cùng cũng là tư duy đổi mới, là sự dũng cảm, thông minh lựa chọn con đường, phương thức làm ăn phù hợp của người nông dân.

Video: ong_bao.mp4

Mặc dù Thái Bình đã có nhiều chủ trương cơ chế chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng, song cái khó hiện nay là theo quy định tại Ðiều 64, Luật Ðất đai năm 2013, đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục, sẽ bị thu hồi. Trên địa bàn tỉnh, một số nông dân không “mặn mà” với đồng ruộng bỏ ruộng hoang hoặc chỉ gieo cấy theo kiểu “được chăng hay chớ” nhưng cũng chưa thu hồi của trường hợp nào. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở dạng nông hộ (trung bình 1 hộ có khoảng 4 -5 sào đất nông nghiệp) đang là thách thức lớn cho công tác quy hoạch lại và xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn.

Cơ giới hóa trên cánh đồng xã Nguyên Xá (Đông Hưng)

Để giải quyết “bài toán” này, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Đối với tỉnh ta, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt Luật Đất đai; kiểm tra, rà soát, thống kê thực trạng tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng trong các vụ tiếp theo. Ngăn chặn kịp thời việc người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa trái quy định, nhất là chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Thống kê nhu cầu sử dụng đất canh tác của từng hộ nông dân, vận động các hộ không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp trả lại đất hoặc cho các đối tác có nhu cầu thuê gom tích tụ đất thuê. Có cơ chế khuyến khích người có nhu cầu sản xuất để đầu tư sản xuất tập trung, có cơ chế hỗ trợ người tích tụ ruộng đất sản xuất về thủy lợi, giống, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… mới mở rộng được diện tích tích tụ, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với đẩy mạnh tích tụ thì phải giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất sau khi cho thuê đất. Về phía doanh nghiệp khi thuê đất, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, không làm sai, không nhận đất để đầu cơ, bỏ hoang gây bất bình, mất niềm tin trong nhân dân. Cùng với đó  phải đảm bảo sinh kế cho người dân như hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm hoặc tạo việc làm cho nông dân ngay trên chính đồng đất quê hương. Riêng về phía nông dân, phải ý thức được rằng, việc tích tụ ruộng đất là tất yếu của sự phát triển, để từ đó có ý thức đồng thuận, cho doanh nghiệp thuê đất; học nghề để đáp ứng nhu cầu, tiếp cận khoa học công nghệ để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của một lao động nông nghiệp công nghệ cao.

HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) thu mua thóc giống cho bà con nông dân

Theo Điều 129, Luật Đất đai 2013, hạn mức (diện tích tối đa) giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân Giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với khu vực Thái Bình là “rào cản” cho quá trình tích tụ ruộng đất.

Thu hoạch lúa mùa tại xã Tân Phong (Vũ Thư)

Video: sequence_10.mp4

Khi Luật Đất đai 2013 được sửa đổi theo hướng “mở rộng hạn điền”, tăng hạn mức giao đất nông nghiệp cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ sẽ hỗ trợ phát triển cho các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các dự án phát triển cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần giải phóng năng lực sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày