Chủ nhật, 10/11/2024, 10:11[GMT+7]

Mùa khoai tây

Thứ 4, 27/12/2023 | 08:28:22
4,077 lượt xem
Thời tiết rét đậm ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây trồng, sức đề kháng của nhiều vật nuôi; nhưng với những nông dân trồng khoai tây đây lại là niềm mong mỏi, chờ đợi bởi là điều kiện thuận lợi cho cây khoai tây phát triển.

Nông dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) chăm sóc khoai tây.

Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, về “thủ phủ” cây khoai tây tại các xã: Vũ Lạc (thành phố Thái Bình), Vũ An, Vũ Lễ (Kiến Xương), nông dân đang tất bật chăm sóc. 

Ngoài 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Đồng Lầu, xã Vũ An đã có vài chục năm gắn bó với đồng ruộng, với cây lúa, củ khoai. Không chỉ bà mà nhiều nông dân trong xã, cây khoai tây thân thuộc, gần gũi như cây lúa. Thậm chí nhiều năm trở lại đây, vụ đông (chủ lực là cây khoai tây) được “ưu ái” hơn hai vụ lúa bởi thời gian trồng ngắn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần cấy lúa. 

Thoăn thoắt từng nhát cuốc xới đất vun cho khoai, bà Nhung cho biết: Tôi biết đến cây khoai tây từ khi còn rất nhỏ. Nhưng ngày ấy trồng khoai không được năng suất như bây giờ do phương pháp, kỹ thuật trồng, giống đều kém. Những năm gần đây, nhiều giống khoai mới như Solara, Marabel... đưa vào trồng. Đây là giống khoai tây có nhiều ưu điểm như năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trồng khoai tây tuy đầu tư cao nhưng dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, lại ít sâu bệnh, thu nhập cao. Hàng năm, cứ sau lễ hội chùa Keo mùa thu, thời tiết mát mẻ và cũng không còn mưa lớn là chúng tôi xuống giống. Gia đình tôi năm nào cũng trồng 8 sào. Khi thu hoạch, tôi sẽ chọn những củ khoai tròn, chắc, đều màu, không bị trầy xước, không có mầm bệnh gửi vào kho lạnh của HTX để làm giống cho vụ sau. Một sào sẽ cần khoảng 30kg khoai giống, tùy theo kích cỡ củ. Nếu củ nhỏ tôi để nguyên củ để ươm mầm; với những củ to hơn có thể bổ thành 2 - 3 miếng sao cho mỗi miếng có từ 2 - 3 mầm để tiết kiệm giống.

Cũng như bà Nhung, bà Trần Thị Duyến, thôn Đồng Tâm, xã Vũ An đang khẩn trương vun đất cho gốc khoai. Bà Duyến cho biết: Cả vụ tôi phải vun luống 2 lần, đặc biệt lần 2 khi khoai phát triển củ phải vun cẩn thận từng gốc khoai tạo điều kiện cho khoai ra nhiều tia củ, củ phình to và tránh hiện tượng bị xanh vỏ củ. Khoai tây là cây ưa lạnh, đầu vụ nắng ấm liên tục nên cây phát triển kém, sâu bệnh cũng nhiều, đặc biệt là vàng lá, héo xanh, nông dân tốn kém thêm chi phí phòng bệnh và chăm sóc. Tuy nhiên, giai đoạn hình thành củ thời tiết chuyển rét sâu thuận lợi cho cây phát triển.

Dù còn khoảng hơn một tháng nữa mới cho thu hoạch nhưng thương lái đã đến tận ruộng kiểm tra, đặt mua khoai tây. Bà Vũ Thị Yên, thôn Nam Hưng, xã Vũ Lạc cho biết: Tùy vào chất lượng khoai, thương lái trả giá từ 700.000 - 900.000 đồng/luống. 1 sào tôi trồng khoảng 5 luống, nếu bán buôn cho thương lái sẽ thu 3,5 - 4,5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 2 - 3 triệu đồng/sào. Ở đây cũng có nhà bán cả ruộng cho thương lái, họ thuê người thu hoạch nhưng cũng có nhà thu hoạch để lấy khoai làm giống cho vụ sau, phần còn lại sẽ bán cho thương lái.

Khoai tây là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông, được nhiều địa phương chú trọng vì dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn lại dễ bảo quản, tiêu thụ thuận lợi với diện tích duy trì đạt gần 4.000ha/năm. Nền nhiệt xuống thấp tạo thuận lợi cho khoai tây phát triển củ; tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chú ý các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh: héo vàng, bọ trĩ, bọ cánh mềm...

Nền nhiệt giảm sâu tạo thuận lợi cho khoai tây phát triển củ.


Ngân Huyền