Thứ 4, 13/11/2024, 05:22[GMT+7]

Phát triển hạ tầng giao thông: Dấu ấn nửa nhiệm kỳ

Thứ 3, 02/01/2024 | 08:44:26
5,406 lượt xem
Kết cấu hạ tầng nói chung, kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực là một trong ba đột phá phát triển được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Quốc lộ 37 và cầu sông Hóa hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2023 thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng.

Giao thông đi trước

Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình đang được triển khai đồng loạt trên 5 tuyến. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế là một trong những dự án ưu tiên đầu tư tạo tiền đề xây dựng, hình thành, phát triển gắn kết các khu công nghiệp trong Khu kinh tế, thúc đẩy việc thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là dự án có quy mô lớn, phân bố trải dài ở địa phận 3 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương nhưng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, cùng quyết tâm cao độ và nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động, tin tưởng rằng dự án sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ông Hoàng Đình Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang, nhà thầu thi công tuyến số 3 cho biết: Để bảo đảm tiến độ thi công dự án theo kế hoạch được giao, đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị triển khai thi công trên toàn tuyến theo hình thức cuốn chiếu. Hiện còn một số điểm nghẽn về mặt bằng chưa được giải phóng, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận và cam kết ngay sau khi có mặt bằng sạch, chúng tôi sẽ hoàn thành thi công đúng tiến độ, sớm đưa tuyến đường vào sử dụng. 

Tuyến đường trục chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ. 

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Phát huy truyền thống “đi trước, mở đường”, ngành giao thông vận tải đã chủ động tham mưu với tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục chính kết nối với các tỉnh lân cận. Hàng loạt dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng như tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 221A, đường tỉnh 454, đường vành đai phía Nam thành phố, đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, đường thành phố Thái Bình - cồn Vành... Ngoài ra, tỉnh đang tập trung hoàn thiện thủ tục và đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình; tập trung tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn...); tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương thực hiện nạo vét luồng hàng hải Diêm Điền; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư để nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng biển Thái Bình (khu bến Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt), cảng cạn ICD, các cảng thủy nội địa trên các sông: Hồng, Trà Lý, Luộc, Hóa, Thái Bình...

Kỳ vọng những tuyến đường mới

Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bằng phương thức đối tác công tư theo Quyết định số 1680/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 25/12/2023. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện triển khai dự án, tỉnh Thái Bình đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, các trình tự thủ tục để triển khai dự án; trong đó, tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; phối hợp với tỉnh Nam Định và giao nhà đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng các phương án bổ sung các nút giao vào dự án và giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến Hội đồng thẩm định liên ngành... 

Trong các cuộc họp triển khai dự án, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần khẳng định với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương tinh thần quyết tâm cao của Thái Bình. Tỉnh đã sẵn sàng các phương án để triển khai thực hiện dự án và cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho nhà đầu tư, phục vụ thi công dự án. 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Song song với thực hiện các bước, trình tự thủ tục để triển khai dự án, tỉnh Thái Bình đã bổ sung quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB thực hiện dự án; UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án; tiến hành rà soát các mỏ cát phục vụ thi công dự án; cập nhật dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đang tiến hành xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư...

Tuyến đường CT.08, đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33km, đi qua 10 xã của huyện Kiến Xương và 9 xã của huyện Thái Thụy. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Xác định tầm quan trọng đặc biệt của tuyến đường này nên chính quyền các địa phương đã tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai dự án; chỉ đạo cơ sở chuẩn bị tốt nhất các hệ điều kiện cũng như sẵn sàng công tác GPMB khi dự án triển khai trên thực địa. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, sẵn sàng các phương án GPMB để triển khai dự án.

Dù chưa triển khai trên thực địa nhưng dự án CT.08 nói riêng và rất nhiều dự án giao thông khác trên địa bàn tỉnh nói chung đang nhận được sự ủng hộ cao trong nhân dân. Điều này thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình cũng như sự đồng thuận của nhân dân. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Thái Bình triển khai dự án thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Các tuyến đường tỉnh, đường huyện được đầu tư, nâng cấp.

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài trên 9.300km, trong đó quốc lộ 151km với 4 tuyến, 25 cầu; đường tỉnh dài trên 340km với 34 tuyến, 102 cầu, còn lại là đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng; hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.


Nguyễn Thơi