Chủ nhật, 10/11/2024, 05:35[GMT+7]

Tiếp sức để nông dân vươn lên làm giàu

Thứ 3, 02/01/2024 | 09:31:35
2,072 lượt xem
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tiếp sức cho hội viên xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hội viên nông dân Phạm Văn Tính, xã Bình Định (Kiến Xương) đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá trên ao bán nổi cho hiệu quả cao.

Tiếp sức cho nông dân

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Đồng hành, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Hội Nông dân tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ vốn, kiến thức. Hội đã chỉ đạo hội nông dân các huyện, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, tăng cường vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, 7/8 huyện, thành phố được cấp nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách. Trong năm qua, việc triển khai cho vay vốn đã bám sát vào tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân để lựa chọn các dự án phù hợp. Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã cho trên 1.470 hộ vay để triển khai thực hiện 81 dự án với số tiền gần 34 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, dư nợ ủy thác cho vay giữa hội nông dân và các ngân hàng tiếp tục tăng, nguồn vốn cho các chương trình luôn giữ ở mức cao. Hội nông dân các cấp đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho trên 55.600 hộ vay với số tiền trên 3,7 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Qua kiểm tra, theo dõi, các nguồn vốn được các hộ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, giải quyết được một phần về vốn giúp cho hội viên đỡ khó khăn trong sản xuất. Từ đó từng bước khẳng định vị thế, vai trò của hội nông dân, tạo niềm tin, gắn bó của hội viên với tổ chức hội.

Cùng với hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân, các cấp hội nông dân đã đứng ra tín chấp cung ứng trên 1.000 tấn phân bón vi sinh trả chậm cho hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các công ty, đơn vị liên quan tổ chức trên 2.100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hướng dẫn sử dụng hiệu quả các loại phân bón cho 169.837 hội viên, nông dân tham gia; xây dựng các mô hình sử dụng phân vi sinh đa chức năng tại 8 huyện, thành phố.

Mô hình nuôi bò 3B của anh Vũ Mạnh Hiểu, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) được đầu tư xây dựng khoa học, hiện đại, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả từ các mô hình

Nhờ có vốn, kiến thức cùng sự hỗ trợ của các cấp hội, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tạo việc làm cho nhiều lao động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhờ được Hội Nông dân xã hỗ trợ về vốn, anh Vũ Mạnh Hiểu, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò 3B theo hướng hiện đại. Hiện tại, mô hình của gia đình anh có diện tích gần 4ha với chuồng trại đạt tiêu chuẩn, nuôi 100 con bò giống, bò thương phẩm và trồng cỏ ngọt. Anh Hiểu chia sẻ: Nguồn vốn vay từ quỹ hội tuy còn hạn chế nhưng đã giúp tôi và nhiều hộ khác rất nhiều trong lúc khó khăn. Từ khi đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đàn bò phát triển tốt, đề kháng khỏe. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 30 tấn bò thương phẩm, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoan Hùng cho biết: Xã hiện có 14 hộ nông dân được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ cho vay vốn 700 triệu đồng. Hội viên, nông dân đã phát triển đa dạng mô hình kinh tế nhưng vẫn còn nhỏ lẻ do khó khăn về vốn, kinh phí đầu tư phát triển mô hình lớn. Hy vọng trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất.

Sau khi tham gia các buổi tham quan thực tế cùng Hội Nông dân xã, nhận thấy tiềm năng kinh tế của mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, anh Phạm Văn Tính, xã Bình Định (Kiến Xương) đã quyết tâm đầu tư thay đổi mô hình nuôi cá truyền thống. Với sự đồng hành, tư vấn và hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Hội Nông dân xã, việc xây dựng mô hình của anh diễn ra rất thuận lợi. “Hiện gia đình tôi duy trì nuôi 5 ao cá bán nổi, không chỉ dễ nuôi, dễ chăm sóc mà còn cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm mô hình cho thu khoảng 55 - 60 tấn cá, thu lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng” - anh Tính chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định cho biết: Sự hỗ trợ kịp thời của hội nông dân các cấp đã tạo động lực cho hội viên, nông dân trong xã tích cực lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cùng với anh Tính, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương như các hội viên: Nguyễn Thị Thanh Tâm với mô hình chăn nuôi lợn sạch khép kín, Nguyễn Thái với mô hình trồng dưa lưới và nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình cho hiệu quả cao.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Để tiếp tục hỗ trợ, tiếp sức hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên, nông dân nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hỗ trợ có liên quan đến quyền lợi của người dân, từ đó giúp nông dân tiếp cận và hưởng thụ từ chính sách. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức thành viên tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân được tiếp cận và ứng dụng rộng rãi hơn KHKT vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh quá trình liên kết, sản xuất quy mô lớn theo hướng làm kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Triệu