Thứ 4, 13/11/2024, 06:51[GMT+7]

Vai trò y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ 4, 10/01/2024 | 21:45:43
4,314 lượt xem
Cùng với y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự ra đời của nhiều cơ sở y dược tư nhân còn giảm gánh nặng, sự quá tải cho các đơn vị y tế công lập; thêm cơ hội lựa chọn nơi khám, điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.

Trước năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn (Thái Thụy) là phòng khám tư với khoảng 200 lượt bệnh nhân/ngày đến khám, điều trị. Đến nay, Bệnh viện đã có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm và nhiều trang thiết bị hiện đại. Hiện Bệnh viện có 14 khoa, phòng với quy mô 150 giường bệnh, trung bình mỗi ngày tiếp đón 400 - 500 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm khoảng 600 lượt. Số lượng người khám, điều trị ngày càng đông cho thấy niềm tin của người bệnh với Bệnh viện.

Bệnh nhân Bùi Công Viện, xã Đông Kinh (Đông Hưng) chia sẻ: Trước đây, tôi cũng phân vân về chất lượng khám, điều trị của các bệnh viện tư nhân. Song, sau mỗi lần đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn, tôi thấy rất hài lòng về sự đón tiếp, hướng dẫn, chăm sóc điều trị. Vì thế, khi có bệnh, tôi cũng lựa chọn điều trị ở đây. Trong hơn 1 tuần điều trị, tôi thấy các bác sĩ, nhân viên y tế tận tình chu đáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng rất hiện đại.

Bác sĩ Phạm Thế Du, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn cho biết: Bệnh viện hình thành trên nền tảng phòng khám đa khoa khu vực. Trong quá trình phát triển, chúng tôi đều có phương hướng, mục tiêu cụ thể. Ở giai đoạn hiện nay, mục tiêu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nội, ngoại trú, phát triển tốt nhất hệ lâm sàng, cận lâm sàng. Do đó, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ Bệnh viện cũng thường xuyên được đào tạo, học tập, tham gia hội chẩn trao đổi với các bệnh viện đầu ngành tuyến trên. Mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số giường bệnh lên 300 giường, thành lập đơn nguyên chạy thận nhân tạo... góp phần giảm tải cho các bệnh viện. Hiện nay, ngoài các dịch vụ kỹ thuật giống bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện đã thực hiện được một số dịch vụ cận lâm sàng tương đương tuyến trung ương như: Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp đa dãy, nội soi dạ dày, đại tràng gây mê và có dịch vụ đo mật độ xương... Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác tiếp đón, chăm sóc, điều trị được đặt lên hàng đầu, các bác sĩ, điều dưỡng luôn xác định phải thực hiện lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”, niềm nở, tận tình chu đáo với người bệnh.  

Cùng với Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn, nhiều bệnh viện đa khoa tư nhân cũng đã được thành lập, hoạt động hiệu quả như: Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà, Bệnh viện Phụ sản An Đức, Bệnh viện Đa khoa Hoàng An... Nếu như trước đây, hệ thống y tế tư nhân thường tập trung ở thành phố Thái Bình thì nay các bệnh viện, phòng khám đã mở rộng ra các huyện. Ngoài các cơ sở khám chữa bệnh còn có sự xuất hiện của các phòng tiêm chủng tư nhân. 

Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh có hơn 440 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 9 bệnh viện, 15 phòng khám đa khoa, 280 phòng khám chuyên khoa, 95 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 40 cơ sở dịch vụ y tế và 6 trạm y tế doanh nghiệp. Số lượng các cơ sở hành nghề y ngày càng tăng đã giúp người dân có thêm cơ hội lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh.

Không chỉ lĩnh vực hành nghề y, ở lĩnh vực dược, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán lẻ thuốc tư nhân cũng tăng. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế), năm 2023, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 44 doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh thuốc; hơn 1.640 cơ sở bán lẻ thuốc. 

Ông Nguyễn Thanh Bách, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược cho biết: Những năm gần đây, hệ thống các cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các cơ sở hành nghề dược tư nhân từ sản xuất đến kinh doanh thuốc đã tạo ra nguồn thu cho xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số lượng các cơ sở bán lẻ thuốc phát triển tại các xã, phường, thị trấn đã bảo đảm được việc tiếp cận thuốc của người dân khi có nhu cầu sử dụng thuốc để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh.

Y tế tư nhân có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Do đó, xã hội hóa lĩnh vực y tế luôn được tỉnh quan tâm. Hàng năm, Sở Y tế đã thực hiện cấp phép hoạt động cho các đơn vị đủ điều kiện; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước để các đơn vị hoạt động đúng quy định, phát huy hiệu quả lợi thế của mình. Hiện nay, tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đạt xấp xỉ 5 giường/vạn dân. Thái Bình phấn đấu tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập đến năm 2025 là 5,3 giường/vạn dân và đến năm 2030 là 6 giường/vạn dân. Ngoài 9 bệnh viện tư nhân đã đi vào hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ và Thần kinh Hà Nội - Thái Bình cũng đã được xây dựng với quy mô 48 giường bệnh. Cùng với các đơn vị y tế công lập, sự ra đời và phát triển các cơ sở y tế tư nhân sẽ góp phần nâng cao vị thế, đưa ngành y tế Thái Bình ngày càng phát triển.

Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh. 

Hoàng Lanh