Thứ 7, 23/11/2024, 17:30[GMT+7]

Phòng bệnh đột quỵ khi nhiệt độ giảm

Thứ 5, 11/01/2024 | 21:16:29
2,587 lượt xem
Thời tiết miền Bắc lạnh, có thời điểm nhiệt độ giảm sâu khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện của bệnh đột quỵ. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân đột quỵ không tăng đột biến song lại ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng.

Bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Qua thống kê của Khoa, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ cấp cứu trong những tháng mùa đông tăng so với mùa hè. Cụ thể, tháng 11 Khoa tiếp nhận gần 280 bệnh nhân, tháng 12 là hơn 260 bệnh nhân. Các bệnh nhân bị đột quỵ với mức độ, tình trạng khác nhau, bệnh nhân nhẹ có ý thức còn tỉnh táo, tự chủ được việc sinh hoạt; bệnh nhân nặng thì rối loạn cơ tròn, không tự chủ được sinh hoạt phải có sự hỗ trợ của người nhà và nhân viên y tế; bệnh nhân nặng hơn thì hôn mê, rối loạn hệ tuần hoàn, xuất huyết não dễ suy hô hấp và tử vong. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân có thể bị đột quỵ, trong đó có yếu tố thời tiết. Người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường dễ có nguy cơ bị đột quỵ. Thời điểm bị đột quỵ thường là về đêm do nhiệt độ giảm sâu. Nhiều trường hợp người nhà khi phát hiện ra bệnh đã nặng.

Trước đây, đột quỵ hay gặp ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền nhưng giờ có thể gặp cả ở người trẻ. Gần đây, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận bệnh nhân trẻ chưa đến 40 tuổi. Khi nhập viện tình trạng bệnh nhân đã quá nặng, hôn mê, suy hô hấp, đồng tử giãn. Sau khi hồi sức, chụp cắt lớp đã xuất hiện xuất huyết não, không còn chỉ định can thiệp được nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ được thực hiện tùy theo tình trạng bệnh song tinh thần của cán bộ, nhân viên là phải thực hiện nhanh nhất có thể, tiến hành tầm soát các chỉ số sinh tồn, làm các cận lâm sàng để chẩn đoán, xử trí kịp thời. Nếu bệnh nhân đến Bệnh viện sớm sẽ làm các chỉ định can thiệp, hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa để can thiệp sớm cho bệnh nhân tránh các di chứng về sau. Bệnh nhân nặng tiếp tục hồi sức, điều trị, tầm soát những yếu tố nguy cơ làm tăng nặng. Với những bệnh nhân quá nặng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ liên hệ với Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai để xin tư vấn hoặc chuyển bệnh nhân lên điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: Các dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ như méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường. Méo miệng biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười; đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao, còn với dấu hiệu ngôn ngữ bất thường có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản. Khi có triệu chứng bất thường trên, cần đưa ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tránh để mất giờ vàng điều trị. Thời điểm “vàng” là trong 3 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh. Để phòng bệnh, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Người có bệnh lý nền cần tuân thủ uống đúng, đủ, đều các thuốc điều trị. Bên cạnh đó, người dân nên tránh tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ lạnh, nhất là về đêm, mặc ấm khi đi ra ngoài và bảo đảm dinh dưỡng, vận động hợp lý. Một người có thể bị đột quỵ nhiều lần. Do đó, với người đã bị đột quỵ cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi, duy trì thuốc dự phòng tái phát, các thuốc điều trị bệnh lý nền, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và bảo đảm đủ dinh dưỡng.

Hoàng Lanh