Thứ 7, 23/11/2024, 17:54[GMT+7]

Ngành công thương: Tăng trưởng trong gian khó

Thứ 5, 11/01/2024 | 21:45:38
12,975 lượt xem
Năm 2023 được coi là thử thách đối với ngành công thương bởi quá nhiều khó khăn ập đến và kéo dài, các doanh nghiệp phải gồng mình chống chọi. Tuy nhiên, với những cơ chế, chính sách kích thích tăng trưởng, sự năng động của người dân, doanh nghiệp, ngành công thương Thái Bình vẫn đạt được nhiều chỉ số phát triển đáng ghi nhận.

Cân đối cung - cầu bảo đảm bình ổn thị trường là giải pháp giúp cho hoạt động thương mại của Thái Bình hoạt động hiệu quả.

Chồng chất khó khăn

Đánh giá bối cảnh phát triển của ngành công thương năm 2023, ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Người dân và doanh nghiệp gặp chồng chất khó khăn do tác động từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế trong nước. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự diễn ra ở nhiều nơi khiến cho kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát cao và tiềm ẩn rủi ro tài chính. Tình trạng nhiều nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, nguồn cầu của thị trường bị thu hẹp là nguyên nhân thiếu đơn hàng sản xuất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Không chỉ có vậy, giá xăng, dầu và nhiều hàng hóa là nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, cước dịch vụ vận tải tăng dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên; sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu tạo áp lực cạnh tranh và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp của ta.

Trong nước, nền kinh tế có độ mở lớn trong khi quy mô và sức chống chịu biến động còn hạn chế, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động chưa cao. Bản thân các doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng cả về sản xuất, thị trường, nguồn vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa mới phục hồi, nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới.

Công nghiệp phục hồi nhanh

Năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 10,55%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đây là một điểm sáng của ngành công thương. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, có được kết quả đó là do toàn ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ và có nhiều sáng tạo để vươn lên. Ngay từ đầu năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh gặp mặt, động viên các doanh nghiệp, phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp, thành lập mới và phê duyệt mở rộng một số cụm công nghiệp, đồng thời tích cực quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh góp phần thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp thẩm định hồ sơ chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và thẩm định các điều kiện đầu tư khác bảo đảm rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án nhanh nhất. Ngoài ra, Sở cũng tích cực thông tin, tư vấn cho các nhà đầu tư về lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia góp phần nâng cao uy tín, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp.

Sơ chế hải sản tại Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải).

Thương mại là điểm sáng

Trong bức tranh chung của ngành công thương năm 2023, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có lẽ là mảng tươi sáng nhất bởi đạt mức tăng trưởng cao cả nội địa và xuất khẩu. Chính sự chuyển dịch hàng hóa mạnh đã giúp doanh nghiệp xoay xở sản xuất và có được thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm của tỉnh ước đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng 15,3% và vượt kế hoạch 5,3%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.601 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022.

Theo các doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn tỉnh, trong năm qua Thái Bình triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu kiến tạo không gian phát triển thương mại và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng giúp cho hoạt động lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu thuận lợi. 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức hội nghị phát triển thị trường lúa gạo. Đây là hoạt động giúp nông dân và các địa phương có tư duy mới về sản xuất gắn với thị trường. Đặc biệt, hội nghị đã kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước vừa quảng bá, xây dựng thương hiệu vừa mở ra thị trường tiêu thụ cho nông sản của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, nền tảng để thương mại của tỉnh phát triển đó là công tác bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối và kết nối cung - cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh triển khai thường xuyên, có hiệu quả. Ngành công thương tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp từ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn nắm bắt, tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu vào một số thị trường tiềm năng, tập huấn ứng dụng thương mại điện tử... Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phát huy các chương trình, đề án khuyến thương hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.

Với đà tăng trưởng năm 2023, toàn ngành công thương phấn khởi bước vào năm 2024 với kỳ vọng và quyết tâm phát triển mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp từ 114.400 - 115.060 tỷ đồng, tăng 9,3 - 10,9%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 76.135 tỷ đồng, tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,2% trở lên, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9,4% trở lên so với năm 2023, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung bắt tay vào thi đua sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm 2024.

Khắc Duẩn