Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Hợp tác hình thành trung tâm thiết kế vi mạch tại Đồng Nai

Thứ 3, 23/01/2024 | 10:43:49
1,167 lượt xem
Đại học Lạc Hồng hợp tác doanh nghiệp hình thành trung tâm thiết kế vi mạch, tổ chức đào tạo thiết kế chip cho giảng viên, sinh viên, phát triển nhân lực.

Đại biểu thăm quan phòng lab trường Đại học Lạc Hồng tại sự kiện sáng 22/1.

Thông tin được TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng nói tại lễ ký kết xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn đặt tại trường. Theo nội dung hợp tác, trong 5 năm trường sẽ phối hợp với Sun Edu (doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP HCM) tổ chức đào tạo chuyên sâu thiết kế chip theo hướng thực hành, thực tế cho giảng viên, sinh viên nhà trường. Học viên tham gia khóa học có cơ hội trải nghiệm thực tế thiết kế vi mạch, gắn kết những lý thuyết với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp. Việc hợp tác giúp đào tạo những kỹ sư có khả năng làm việc thực tế trong ngành thiết kế vi mạch đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo TS Hiển, thời gian qua trường phối hợp với Đại học khoa học kỹ thuật Nam Đài (Đài Loan) xây dựng chương trình kỹ sư tài năng công nghiệp quốc tế giai đoạn 2024-2026. Dự kiến tháng 2/2025 sẽ đưa 20 sinh viên học tập trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn cho xe.

Sắp tới, trường hợp tác với On Semiconductor - doanh nghiệp chuyên sản xuất mạch tích hợp lai, các linh kiện bán dẫn rời dùng cho ôtô, thiết bị điện gia dụng và các ứng dụng công nghiệp khác - về hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị điện tử, sản xuất bán dẫn. Hợp tác này giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất linh kiện bán dẫn chuyên nghiệp. Ông Hiển kỳ vọng trung tâm thiết kế vi mạch tập trung đào tạo nâng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế, từng bước đóng góp vào phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Ông Trương Công Minh Hiển, Chủ tịch Sun Edu cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ nhà trường đội ngũ giảng viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ thế giới. Khung chương trình được xây dựng theo hướng sát thực tế từ các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn bán dẫn. Học viên được cung cấp các công cụ thiết kế từ các nhà cung cấp là doanh nghiệp trong lĩnh vực và có thể tham gia các dự án của họ trong quá trình học. "Sau khi tốt nghiệp học viên tham gia đào tạo có thể đi làm ngay, trở thành các kỹ sư chuyên thiết kế vi mạch", ông Hiển nói.

Chia sẻ bên lề sự kiện, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết rất ủng hộ và cam kết tạo điều kiện tối đa mô hình hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong phát triển nhân lực vi mạch. Ông cho biết, khi nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra cơ hội lớn cho đất nước tham gia chuỗi sản xuất vi mạch toàn cầu. Nhận định về cơ hội thu hút đầu tư, ông cho biết, khu vực phía Nam với TP HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... là những địa phương có khả năng đón được các dự án về sản xuất chip bán dẫn. Do đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực, lao động đáp ứng nhu cầu các dự án sản xuất này rất quan trọng giúp thúc đẩy ngành vi mạch của địa phương và khu vực.

Hôm 8/1, Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch với thời gian 2 tháng cho mỗi khóa với các chuyên gia kinh nghiệm lĩnh vực này giảng dạy. Tại TP HCM, trong năm 2023, Khu công nghệ cao thành phố phối hợp với đối tác tổ chức đào tạo thiết kế vi mạch cho 58 học viên là giảng viên 13 trường đại học và 54 sinh viên được đào tạo kỹ năng thiết kế vật lý chip bán dẫn theo đặt hàng của doanh nghiệp. Sắp tới chương trình sẽ mở rộng tổ chức đào tạo cho sinh viên, giảng viên đại học ở khu vực phía Bắc nhằm phát triển nhân lực thiết kế vi mạch.

Theo vnexpress.net