Thứ 7, 23/11/2024, 12:42[GMT+7]

Làng nghề cơ khí xã Mê Linh: Đổi mới để duy trì và phát triển

Thứ 5, 25/01/2024 | 08:32:25
5,675 lượt xem
Xã Mê Linh (Đông Hưng) từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất dũa thép và bẫy chuột bán nguyệt. Để duy trì, phát triển làng nghề, mỗi người thợ thủ công nơi đây đã không ngừng đổi mới phương pháp sản xuất, chủng loại sản phẩm và cách tiếp cận thị trường.

Chị Nguyễn Thị Tâm (người bên phải) và nhiều phụ nữ ở xã Mê Linh trong độ tuổi trung niên vẫn có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề làm dũa thép và bẫy chuột bán nguyệt.

Ông Phạm Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Là địa phương có nhiều nghề song nghề sản xuất dũa thép, bẫy chuột bán nguyệt mang lại thu nhập khá hơn cả cho bà con, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất từ nghề sản xuất dũa thép và bẫy chuột đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Một vài năm gần đây, số hộ làm nghề tuy giảm do có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và do khó khăn về thị trường nhưng sản lượng sản phẩm và doanh thu của làng nghề lại tăng cao hơn nhờ các hộ dân năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và việc ứng dụng máy móc, công nghệ mới vào sản xuất.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, thôn Tiền - một trong những hộ sản xuất quy mô lớn của làng nghề cơ khí, các công nhân đang tập trung sản xuất dũa và chế tạo bẫy chuột để kịp phục vụ bà con nông dân khắp cả nước chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân năm 2024 cũng như xuất khẩu vào thị trường Campuchia. 

Ông Vinh cho biết: Tôi làm nghề sản xuất dũa thép và bẫy chuột gần 40 năm nhưng chưa khi nào gặp nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua. Giá thép cao, nhân lực lao động thiếu, thị trường dần thu hẹp khiến nhiều hộ không trụ vững phải bỏ nghề. Chỉ những gia đình có khả năng đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành và tích cực đi xúc tiến thương mại mới duy trì được nghề. Như gia đình tôi phải đầu tư vài trăm triệu đồng mua máy rèn, máy băm răng dũa, máy rút thép, máy mài... để sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải nghiên cứu đa dạng chủng loại hàng hóa theo hướng duy trì sản xuất dũa phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp kết hợp phát triển dũa phục vụ ngành sản xuất cơ khí công nghiệp với các mẫu như dũa lập là, dũa 3 cạnh, dũa vuông, tròn, đủ các kích cỡ mới có thể tồn tại được. Mỗi năm gia đình sản xuất và tiêu thụ được khoảng hơn 50.000 sản phẩm dũa các loại và hơn 1 triệu chiếc bẫy chuột bán nguyệt, doanh thu xấp xỉ 3 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 250 triệu đồng.

Hiện nay, ở làng nghề cơ khí xã Mê Linh có 124 hộ còn duy trì sản xuất dũa thép và bẫy chuột, chủ yếu ở các thôn Tiền, Hậu, An Vĩnh, tạo việc làm cho gần 300 lao động. 

Chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn Tiền chia sẻ: Bây giờ phần lớn các công đoạn sản xuất đều có máy móc hỗ trợ, công việc cũng đỡ vất vả nên những người trung và cao tuổi như chúng tôi còn gắn bó làm được. Bản thân tôi vừa tranh thủ công việc đồng áng, chăm lo gia đình vừa làm nghề, bình quân thu nhập mỗi tháng được 4,5 triệu đồng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho gia đình. 

Còn chị Nguyễn Thị Hiếu, chủ hộ sản xuất dũa thép và bẫy chuột ở thôn An Vĩnh cho biết: Mấy năm gần đây, làng nghề cơ khí gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất từ việc đầu tư máy móc, đa dạng chủng loại hàng hóa đến việc trực tiếp mang sản phẩm đi quảng bá, chào bán, phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Chúng tôi cố gắng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của ông cha, mong muốn lớn nhất là tạo việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống cho những lao động đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề này, nay nếu họ bị mất việc thì cũng không biết chuyển đổi sang làm nghề gì.

Đưa chúng tôi đi thăm các hộ sản xuất trong làng nghề, ông Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh phấn khởi cho biết: Ở làng nghề cơ khí, 100% hộ làm nghề đều có điều kiện kinh tế khá, trong đó có khoảng 15% số hộ làm chủ xưởng sản xuất lớn thuộc diện giàu. Nghề sản xuất dũa thép và bẫy chuột phát triển còn kéo theo các nghề khác như tái chế sắt vụn, cán thép, rèn dao, kéo và dịch vụ, thương mại của địa phương phát triển. Hiện nay, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đang tạo việc làm cho gần 800 lao động, giá trị sản xuất đạt gần 100 tỷ đồng/năm.

Để bảo tồn nghề truyền thống và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Mê Linh đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con mở mang ngành nghề, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thiết thực. 

Ông Phạm Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Chính quyền xã luôn tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, tín chấp cho các hộ vay vốn đầu tư; vận động các hộ mở rộng quy mô sản xuất, đưa nhà xưởng sản xuất tập trung vào cụm công nghiệp Mê Linh; cung cấp thông tin và hỗ trợ bà con tham gia các hội chợ để quảng bá, tìm kiếm đối tác đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một trong những ưu tiên chỉ đạo của địa phương nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và góp phần tạo nền tảng quan trọng giúp Mê Linh xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiến tới đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu một cách bền vững.

Làng nghề cơ khí xã Mê Linh không ngừng phát triển những vẫn giữ được những nét truyền thống làng quê Bắc Bộ.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày