Chủ nhật, 10/11/2024, 05:39[GMT+7]

Bảo đảm điều kiện chống rét cho trẻ mầm non

Thứ 5, 25/01/2024 | 09:19:24
4,962 lượt xem
Miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm, rét hại. Để chống rét cho trẻ mầm non và phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, các cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi đến trường.

Trường Mầm non Trọng Quan (Đông Hưng) trang bị thảm xốp cho các phòng học.

Thời tiết mùa đông luôn lạnh rét, hanh khô và thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tại Trường Mầm non Trọng Quan (Đông Hưng), ngay từ đầu mùa đông, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch lên lớp phù hợp với tình hình thời tiết, các hoạt động dạy và học cũng như hoạt động vui chơi của trẻ diễn ra trong không gian lớp học, hạn chế các hoạt động ngoài trời. Cùng với đó, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe của trẻ ở trường cũng như ở nhà.

Bà Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trọng Quan cho biết: Khi bước vào mùa đông, giáo viên các lớp đã tuyên truyền đến phụ huynh giữ ấm cho trẻ trên đường đến trường. Xác định rõ đặc điểm thể trạng của trẻ nhỏ dễ bị ốm khi trời trở rét nên nhà trường chủ động trang bị đầy đủ thảm xốp, rèm cửa chắn gió, hệ thống nước nóng, bổ sung thêm chăn, đệm, bảo đảm trẻ có không gian sinh hoạt ấm áp, thoáng đãng, sạch sẽ, không bị gió lùa. Quan trọng nhất là giờ ăn và nghỉ trưa, các cô giáo luôn túc trực để chăm lo bữa ăn và giấc ngủ của trẻ. Đặc biệt, chú trọng cho trẻ ăn ấm, thay đổi thực đơn theo mùa, có nước ấm cho trẻ sử dụng vào những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Là 1 trong 2 huyện ven biển của tỉnh, những ngày đông giá rét, các trường học trên địa bàn huyện Tiền Hải luôn đặc biệt chú trọng việc giữ ấm cơ thể để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. 

Bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hà chia sẻ: Vì giáp biển nên luôn có gió lớn, bên cạnh việc bảo đảm cơ sở vật chất cũng như có các kế hoạch giáo dục phù hợp, nhà trường luôn chú trọng đến dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ. Nhân viên nuôi dưỡng xây dựng thực đơn theo mùa và bảo đảm thực đơn phù hợp, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin cho trẻ, giúp các bé tăng cường sức đề kháng. Trẻ được uống đủ lượng nước ấm, bổ sung thêm vitamin C hoặc nước hoa quả vào khẩu phần ăn trong ngày để tăng sức đề kháng. Cùng với đó, Trường thường xuyên tuyên truyền các biện pháp giữ ấm cho trẻ tại trường, trên trang web, mạng xã hội nhóm, lớp; thông báo đến phụ huynh học sinh tình hình thời tiết để phụ huynh cho trẻ đeo khẩu trang, đội mũ ấm, quàng khăn và quần áo rét phù hợp. Với tất cả các biện pháp thực hiện đồng bộ trong cả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tỷ lệ trẻ chuyên cần đi học trong mùa đông của nhà trường vẫn đạt cao, trên 95% số trẻ đến lớp.

Ông Vũ Quang Thìn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải cho biết: Thời tiết rét lạnh, hanh khô khiến nhiều trẻ bị ốm, nhất là mắc các bệnh truyền nhiễm, vì vậy, bên cạnh việc chống rét cho trẻ, Phòng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, tổ chức các hoạt động thể chất để nâng cao sức đề kháng, phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tổ chức giám sát, xử lý, báo cáo dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin để trẻ có sức khỏe tốt trong những ngày đông giá rét.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chống rét cho học sinh bằng việc tăng cường bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đồng thời, không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; tuyên truyền, phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm khi đến trường. 

Cùng với ngành giáo dục, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ. Cùng với đó, bảo đảm an toàn thực phẩm cho trẻ, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, bổ sung các loại hoa quả giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, nếu nhiệt độ dưới 10oC thì cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học; nếu nhiệt độ dưới 7oC thì cho học sinh THCS nghỉ học để tránh rét và bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Tất cả hoạt động của trẻ tại Trường Mầm non Nam Hà đều diễn ra trong không gian lớp học khi nhiệt độ xuống thấp.

Đặng Anh