Đình An Dưỡng: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử
Kiến trúc độc đáo
Theo các cụ cao niên trong trong làng kể lại: đình An Dưỡng xây dựng từ lâu, không rõ vào thời gian nào, được xây theo lối kiến trúc chữ đinh, bộ khung kiến trúc bằng tre kết hợp với gỗ. Đến năm Thành Thái Canh Tý (1900), ngôi đình được trùng tu, tôn tạo lại với quy mô kiến trúc theo mặt bằng kiểu tiền nhất hậu đinh, chất liệu làm bằng gỗ lim, chạm khắc cầu kỳ. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đình làng đã bị tàn phá nặng nề nhưng cứ giặc phá đến đâu nhân dân lại góp công góp của tu bổ, sửa chữa đến đó.
Hiện nay, đình An Dưỡng vẫn còn nhiều điểm độc đáo, nổi bật như cổng đình được xây dựng theo kiểu “nghi môn tứ trụ”, các chân trụ được tạo dáng thành các chân tảng kiểu quả găng, thân trụ soi chỉ, phía trên đắp lồng đèn, trên đỉnh trụ đắp phượng vũ; phần trên hai trụ giữa nối với nhau bằng bức cuốn thư đắp nổi ba chữ “Đình An Dưỡng”. Sân đình được lát gạch Giếng Đáy màu đỏ. Tòa tiền tế có 3 gian, xây theo kiểu hồi văn ba đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Tòa hậu cung có 2 gian, xây theo kiểu mái cong đao guột, mái lợp ngói mũi...
Đặc biệt, trong đình còn lưu giữ một quyển thần tích, một quyển thần sắc và 2 đạo sắc phong thời vua Khải Định thứ 9 phong thần cho Thành hoàng Uy Trấn đại vương tôn thần và Yết Kiêu đại vương tôn thần phối thờ tại đình. Đó không chỉ là những di vật có giá trị về mặt lịch sử mà còn là nguồn tài liệu Hán Nôm quý góp phần cung cấp cho các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về đối tượng thờ tự. Ngoài ra, đình An Dưỡng còn lưu giữ một số hiện vật cổ thời Nguyễn có giá trị như tượng thờ, mũ thờ, hoành phi, đôi chóe sứ...
Người dân tổ dân phố Tân Hưng biểu diễn văn nghệ trong lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình An Dưỡng.
Những dấu ấn lịch sử
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình An Dưỡng là địa điểm để phát triển lực lượng cách mạng và xây dựng tổ chức quần chúng và là địa điểm vận động các thanh niên trong làng ra đình đọc sách báo, dạy chữ quốc ngữ. Đến năm 1945, đình là nơi làm việc của hội nông dân tương tế An Bồi để bàn kế hoạch chống lại cường hào, phong kiến; nơi tiếp nhận và cất giữ các tài liệu, truyền đơn của Mặt trận Việt Minh gửi về. Các tài liệu này được giấu kỹ trong hậu cung để phân phát cho các thanh niên trong làng và các đồng chí Việt Minh trong khu vực lân cận.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đình An Dưỡng là trụ sở làm việc của chính quyền, các ban, ngành của xã An Bồi; nơi mở lớp bình dân học vụ cho con em trong thôn và tập võ nghệ của dân quân du kích. Đình còn là nơi tổ chức các hoạt động cứu quốc như: Hũ gạo kháng chiến, tuần lễ vàng, quỹ Độc lập. Năm 1948, nhân dân trong làng đóng góp vật liệu xây dựng làng kháng chiến tại đình. Chính tại đình, đội du kích đã đào hầm để cất giấu tài liệu, vũ khí và lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Từ năm 1950 - 1953, đình là nơi tập trung du kích An Dưỡng để cùng với du kích các xóm khác phối hợp với đơn vị bộ đội bố trí các trận địa mai phục để đánh địch, phá tề trừ gian. Thời kỳ 1955 - 1975, đình An Dưỡng vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vừa là nơi sinh hoạt chi bộ thôn; nơi tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; nơi làm việc của đội giảm tô và cải cách ruộng đất, nơi chính quyền xã vận động dân làng tiếp tục đi học văn hóa...
Ngày nay, đình An Dưỡng trở thành nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người dân trong tổ dân phố Tân Hưng nói riêng, thị trấn Kiến Xương nói chung.
Đình An Dưỡng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân thị trấn Kiến Xương từ bao đời nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Xương cho biết: Với những giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc độc đáo của di tích, tháng 11/2023, đình An Dưỡng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây không chỉ là sự tôn vinh, khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn trong việc bảo tồn và phát triển di tích. Để xứng đáng với vị thế của một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn đình làng, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động lễ hội phục vụ đời sống tâm linh của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng