Thứ 7, 23/11/2024, 17:38[GMT+7]

Độc Nhĩ Đại vương

Thứ 6, 26/01/2024 | 16:08:35
7,076 lượt xem
Sử cũ ghi: Sau khi chiến thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương, chia đặt các quan. Đỗ Cảnh Thạc là tướng trí dũng bên cạnh Ngô Quyền, có nhiều công lao trong chiến đấu được Ngô vương trao chức Thái úy, đứng đầu các quan võ. Đất nước ta bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ. Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục giúp vua và triều đình xây dựng đất nước, quân đội vững mạnh. Ông mở các trường luyện võ, đào tạo võ quan, đặt đồn trấn thủ những nơi hiểm yếu, đề phòng giặc dã... Trên đường truy diệt giặc ngoại bang, ông từng “dừng chân, hạ trại” ở làng An Bình, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng...

Đền Độc Nhĩ, làng An Bình, xã Lô Giang (Đông Hưng) - nơi thờ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc có công lao to lớn giúp Ngô Quyền đánh tan giặc Nam Hán.

Theo cổ sử, Hoàng Thao, thái tử vua Nam Hán nhận lệnh vượt biển vào nước ta hội quân với lực lượng nội gián của Kiều Công Tiễn đánh dẹp nghĩa quân nước ta, Đỗ Cảnh Thạc đã tập hợp lực lượng giúp Ngô Quyền đánh tan quân phản tặc Kiều Công Tiễn cùng giặc ngoại bang, hạ thành Đại La, nơi đóng quân của giặc Nam Hán. Đặc biệt, trong trận huyết chiến trên sông Bạch Đằng, Đỗ Cảnh Thạc lập công lớn diệt giặc. Với Ngô Quyền khi có trong tay tướng công Đỗ Cảnh Thạc thì Hoàng Thao chỉ là “đứa trẻ dại khờ”. Quả vậy, trận thủy chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng được Ngô Quyền tính toán kỹ lưỡng, ông cho quân lính đóng cọc gỗ lim, đầu nhọn bọc thép. Lực lượng thủy chiến của quân Nam Hán rất mạnh và hung hãn, chúng tràn vào nước ta qua cửa sông Bạch Đằng, trước thế trận đã định sẵn, Ngô Quyền cho một lực lượng thuyền chiến nhỏ ra giao chiến, cầm chân giặc, lúc thủy triều lên, nhử giặc vào bãi cọc. Tại đây, lực lượng giao chiến của quân ta kiên cường chống trả giặc, để cầm chân giặc và để chúng không nghi ngờ về kế hoạch bẫy cọc. Khi nước thủy triều xuống, bãi cọc dần nhô lên, quân chủ lực tiến hành phản công, tàu chiến của giặc bị cọc nhọn đâm thủng, số còn lại vướng vào cọc không thể di chuyển, lúc này đội quân của Đỗ Cảnh Thạc hội với các cánh quân của Ngô Xương Ngập, Dương Tam Kha và dân binh hai bên bờ ập ra tiêu diệt giặc. Ngô Quyền chỉ huy lực lượng quân tinh nhuệ ra áp chiến, tiêu diệt giặc Nam Hán, nhiều tên lính giặc bỏ thuyền bơi vào bờ nhưng đều bị dân chúng hai bên bờ bắt sống hoặc tiêu diệt. Cuộc chiến kết thúc trong 1 ngày, thắng lợi của cuộc thủy chiến trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt hơn 1 ngàn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta vào năm Mậu Tuất 938.

Ngọc phả đền thờ “Độc Nhĩ Đại vương” Đỗ Cảnh Thạc ở làng An Bình, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng có ghi: Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc trên đường tuần tiễu giặc ngoại xâm đã dừng chân, hạ trại ở làng An Bình. Nghe danh tiếng tướng quân phò tá Ngô Vương Quyền, thanh niên trai tráng khắp vùng kéo đến xin đầu quân. Dân chúng nể phục tướng quân đã đem sản vật, lương thảo đến cổ súy đội quân. Đáp lại thịnh tình dân chúng, tướng quân Đỗ Cảnh Thạc ân cần chỉ bảo dân chúng tích cực khai khẩn đất đai, cấy trồng lúa gạo, ngô khoai cung cấp lương thảo cho triều đình, nuôi quân đánh giặc. Ngược dòng lịch sử, thế kỷ X, Ngô Quyền, tù trưởng đất Đường Lâm (Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) đã lựa thời cơ, tập hợp dân binh đứng lên chống lại quân Nam Hán, giành độc lập, xưng vương. Đất nước độc lập tự chủ sau hơn ngàn năm Bắc thuộc không bao lâu, Ngô Quyền đột ngột qua đời, các thế lực cát cứ trong nước nổi dậy, tranh giành quyền lực. Cuộc biến loạn đẩy lên thành đỉnh cao khi em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha tập hợp lực lượng làm cuộc chính biến, cướp ngôi vua, xưng Bình Vương. Bị truất ngôi, con trưởng Ngô Quyền, người lẽ ra được tôn lên ngôi vương, đành phải bỏ kinh thành Cổ Loa chạy về phương Nam. May thay, người con thứ của Ngô Vương Quyền không nản chí, âm thầm chờ thời. Đến năm 950, Ngô Xương Văn, con trai thứ, em của Ngô Xương Ngập mới “hạ” được Dương Tam Kha, đưa anh trai trở về kinh thành. Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương; Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Hai anh em Ngô vương tập trung gây dựng lại cơ đồ. “Thiên thời, địa lợi” nhưng “nhân” lại không hòa, năm 955, Ngô Xương Văn đột ngột qua đời, đất nước lại chìm trong loạn lạc, vương triều họ Ngô nhanh chóng tan rã. Trong nước hình thành các thế lực tranh nhau quyền kiểm soát cương vực mà sử cũ chép là “loạn 12 sứ quân”... trong đó, Trần Lãm (tức Trần Minh Công) cát cứ vùng Kỳ Bố Hải khẩu (Thái Bình ngày nay). Cuốn “Việt sử lược” có chép: “Lúc bấy giờ, 12 sứ quân cùng nổi lên, mỗi người chiếm giữ lấy châu, quận tự trị”. Theo các nguồn khảo luận, vương triều nhà Ngô lập nên trị vì trong 26 năm nhưng kể cả lúc thịnh trị nhất, trung ương tập quyền phong kiến này cũng không đủ mạnh để “với tay” xuống đến các làng quê trong nước, đặc biệt là miền biên viễn... Đây được coi là mắt xích dễ đứt nhất của chính quyền nhà Ngô vương và chính yếu khuyết này đã làm tan rã vương triều phong kiến đầu tiên sau khi thống nhất đất nước chấm dứt thời kỳ đô hộ của nhà Nam Hán trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Lịch sử ghi nhận công lao của tướng quân Đỗ Cảnh Thạc trong việc phò tá Ngô Quyền đánh tan các đạo quân Nam Hán xâm lược và cai trị nước ta, song Đỗ Cảnh Thạc cũng nổi lên là 1 trong 12 sứ quân khi nhà Ngô tan rã. Cổ sử chép: Đỗ Cảnh Thạc là tướng công lỗi lạc, ngoài lo việc chính gia đại sự, ông còn chăm lo sinh kế cho người dân, “đồng thời dạy dân nông tang, canh cửi, buôn bán, làm ăn”.

Sử cũ chép: Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc được coi là mạnh trong 12 sứ quân, bởi có đội quân thiện chiến, ông là người giàu kinh nghiệm trận mạc lại có thành lũy phòng thủ chắc chắn, hiểm sâu bao quanh bộ chỉ huy. Các nguồn khảo luận cũng chỉ ra rằng, Đỗ Cảnh Thạc là tướng công trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh (con nuôi Trần Lãm, sứ quân Kỳ Bố Hải khẩu) cũng phải bày nhiều mưu sâu, kế hiểm mới hòng đánh được Đỗ Công (danh xưng Đỗ Cảnh Thạc khi cát cứ 12 sứ quân). Một lần đánh nghi binh, do mắc mưu Đinh Bộ Lĩnh mà Đỗ Công mất thành Quèn, nơi đặt bộ chỉ huy của Đỗ Công, đó là ngày 14 tháng 3 năm Đinh Mão (967). Mặc dù thua trận, thành tan vỡ nhưng ý chí kiên cường của Đỗ Công không hề suy, ông cho dựng lại thành, tập hợp lại quân cầm cự chiến đấu với Đinh Bộ Lĩnh gần 1 năm nữa, đến ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Thìn (968) trong cuộc giao tranh không phân thắng bại với Đinh Bộ Lĩnh, Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên độc, ông phi ngựa chạy về chân núi Sài Sơn (Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội) thì tắt thở, thọ 56 tuổi. Các triều đại sau đều sắc phong ông là Độc Nhĩ Đại vương. Nhiều làng quê lưu dấu ông (trong đó có làng An Bình, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng) đều tưởng nhớ và lập đền thờ ông, tôn vinh ông là Độc Nhĩ Đại vương thượng đẳng thần, thờ làm thành hoàng làng.

Ông Đỗ Thanh Phúc, Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) huyện Đông Hưng cho biết: Đền “Độc Nhĩ Đại vương” làng An Bình, xã Lô Giang thờ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, tương truyền, sau khi Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi, đã sắc phong tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, người có công lao lớn giúp Ngô Vương Quyền đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng là “Độc Nhĩ Đại vương thượng đẳng thần”. Đền thờ còn giữ được 3 sắc phong thời vua Thành Thái (1889); Duy Tân (1909) và Khải Định. Hàng năm, vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, dân làng An Bình tổ chức mở hội dâng hương tưởng nhớ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.

Quang Viện