Thứ 4, 13/11/2024, 06:52[GMT+7]

Tạo cơ chế thúc đẩy bảo hộ kết quả nghiên cứu

Thứ 2, 26/02/2024 | 09:29:20
1,807 lượt xem
Trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ngọn cờ đầu trong đăng ký sáng chế và là chủ sở hữu của hàng loạt các văn bằng sở hữu trí tuệ có giá trị. Cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ nhằm đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Giai đoạn trước, mỗi năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ sở hữu từ 1-2 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích. Trong khi đó, chỉ trong vòng 7 năm thực hiện Nghị quyết số 159-NQ/ĐUVHL ngày 6/7/2017 của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc Đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã sở hữu 380 văn bằng độc quyền, trung bình mỗi năm đạt 54 bằng độc quyền.

Riêng năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có số lượng văn bằng độc quyền tăng 41% so với năm 2022, với 76 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Hiện nay, tổng số văn bằng sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chiếm khoảng 40% trong khối viện nghiên cứu-trường đại học của cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu: “Tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm”.

Việc số lượng văn bằng độc quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam liên tục tăng và vượt mục tiêu của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đề ra đã khẳng định được định hướng đúng đắn và quyết liệt của lãnh đạo Viện trong chỉ đạo điều hành việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cho thấy tiềm lực khoa học và khả năng ứng dụng trong thực tiễn của các nghiên cứu, bởi khi có nhu cầu hay mong muốn hợp tác chuyển giao công nghệ, đơn vị chủ trì, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ quan tâm việc bảo hộ kết quả nghiên cứu để vừa khẳng định tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghiệp của tài sản trí tuệ, vừa giảm thiểu rủi ro của việc đạo ý tưởng, công nghệ từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Trong quá trình thực hiện, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng của các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, cùng với đó, bảo đảm chất lượng và hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các văn bằng bảo hộ độc quyền được cấp.

Theo đó, nhiều chính sách đã được ban hành như: Hỗ trợ kinh phí cho nhà khoa học và đơn vị có văn bằng được cấp; ban hành quy định về tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra về sở hữu trí tuệ đối với các đề tài thuộc hướng ứng dụng triển khai; giới thiệu, quảng bá công nghệ, thu hút đầu tư và tìm hiểu, lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp, địa phương, tạo thành cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn…

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế như Cục Sở hữu trí tuệ (IP Vietnam), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng Gia Anh (Royal Academy of Engineering - RAEng), Chương trình Aus4Innovation (CSIRO) nhằm hỗ trợ các nhà khoa học tham gia các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị để nâng cao nhận thức và năng lực trong việc công bố bài báo, định hướng viết đăng ký sáng chế và thương mại hóa tài sản trí tuệ, với định hướng nhất quán đó là một phần của công việc nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng cho biết, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế và thương mại thế giới và trở thành trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Sở hữu trí tuệ giữ vai trò là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của các viện nghiên cứu, trường đại học, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp.

Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, vị thế quốc gia dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết của Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 8 nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, triển khai, nâng cao số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ.

Thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường tốt hơn cho nhà khoa học để thúc đẩy việc đăng ký văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ kết quả nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị nghiên cứu. Từ đó, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo nhandan.vn