Nhà khoa học Việt thiết kế chương trình tập chống vẹo cột sống
Nghiên cứu thực hiện từ tháng 6/2022 giúp người vẹo cột sống khôi phục hoạt động bằng phương pháp tập luyện trên các thiết bị chuyên dụng trong chương trình nghiên cứu phục hồi chức năng của của Viện Vật lý Y sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia của Đại học tổng hợp Leipzig (Đức).
Ứng dụng các nguyên lý, phương pháp luyện tập trong y học thể thao và phục hồi chức năng, các nhà khoa học tại Viện Vật lý Y sinh học đã phát triển các chương trình tập luyện cho bệnh nhân vẹo cột sống trên các thiết bị tập luyện chuyên dụng.
Dữ liệu tập luyện được đo lường, lưu lại trên hệ thống máy tính để làm căn cứ đánh giá và xây dựng chương trình luyện tập phù hợp. Đây là các thiết bị chuyên biệt tập trung luyện tập vào các nhóm cơ cần cải thiện. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, chương trình luyện tập sẽ được xây dựng về cường độ, thời gian, tần suất tập, số lần lặp lại cho phù hợp.
Theo bác sĩ Lại Hải Bình, Trưởng phòng Y học, Viện Vật lý Y Sinh học, chương trình luyện tập được xây dựng theo hướng dẫn của hiệp hội các trường Đại học Y học thể thao Mỹ (ACSM). Song, để phù hợp với thể chất người Việt, cường độ tập luyện nên được xây dựng thấp hơn. Cụ thể, theo hướng dẫn ACSM người mới tập luyện thời gian đầu có thể tập ở 40 - 50% sức mạnh cơ tối đa. Tuy nhiên, chương trình trong giai đoạn đầu với tải trọng thấp 10% thậm chí không tải trọng được xây dựng để người bệnh sử dụng làm quen, sau đó tăng dần tỷ lệ tải trọng theo khả năng để họ luyện tập.
Dựa vào tiến trình tập, chương trình tăng chỉ số các lần tập luyện để tăng khả năng phục hồi theo thực tế từng người. "Quá trình tập luyện máy sẽ ghi nhận dữ liệu tập luyện của bệnh nhân để từ đó đề xuất tăng tải trọng, độ khó bài tập cho phù hợp", bác sĩ Bình nói.
Thực nghiệm chương trình trên nam bệnh nhân 18 tuổi, ở TP HCM bị vẹo cột sống 40 độ thắt lưng. Sau 3 tháng tập luyện, độ vẹo cột sống giảm từ 40 độ xuống 36 độ ở vùng đốt sống thắt lưng, vùng đốt sống ngực đã giảm từ 29 độ xuống 26 độ.
Theo chuyên gia vật lý trị liệu Lê Văn Thông, phòng Y học, Viện Vật lý Y Sinh học, để quá trình tập luyện có kết quả tốt, ngoài các bài tập, nhân viên y tế cần hỗ trợ bệnh nhân về mặt tâm lý, giúp họ hứng thú hơn trong việc tập luyện thông qua quá trình đồng hành và truyền cảm xúc tích cực.
Theo dõi các dữ liệu luyện tập của bệnh nhân trên máy tính.
Theo TS. trung tá Nguyễn Thế Thường, Viện Vật lý Y sinh học, trên thế giới, việc luyện tập phục hồi chức năng là các chỉ định thông thường, phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tập luyện để tăng cường và phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế do thiếu các trang thiết bị luyện tập chuyên dụng và chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất lúc ban đầu rất lớn. Điều trị bằng thuốc, phẫu thuật thường có hiệu quả tức thời. Còn luyện tập phục hồi mất thời gian vài tháng mới có thể cải thiện, nên cần bệnh nhân kiên trì, luyện tập đúng phương pháp.
Ngoài việc xây dựng các chương trình tập luyện, TS Thường cho biết, đơn vị tập trung nghiên cứu và xây dựng các giải pháp mới về công nghệ và các trang thiết bị hiện đại chuyên dụng trong lĩnh vực vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Viện sẵn sàng hợp tác và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các đơn vị trong và ngoài quân đội, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất của người Việt và hỗ trợ cho các bạn học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi bị vẹo lệch cột sống.
Vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang một bên của trục cơ thể và vẹo của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Khoảng 1-4% dân số mắc tình trạng này ở mọi lứa tuổi. Hiện bệnh có xu hướng trẻ hóa ở lứa vị thành niên từ 10-18 tuổi, trong giai đoạn phát triển xương. "Khoảng 80% nguyên nhân là vô căn, một số khác do bẩm sinh hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh cơ", bác sĩ Bình nói. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày, nhất là trẻ ở tuổi đến trường.
Theo nhóm nghiên cứu, việc tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân tăng cường sức cơ bị yếu và mất cân đối từ đó thay đổi cấu trúc cột sống theo hướng hồi phục. Đây được coi là phương pháp an toàn và hiệu quả cho người vẹo cột sống ở tuổi vị thành niên, với mức độ góc Cobb từ 20-40 độ.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam cực đe dọa tương lai Trái đất 06.08.2024 | 09:46 AM
- 201 thí sinh tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 10.06.2024 | 19:17 PM
- Tổng kết và trao giải hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học năm 2022 - 2023 18.12.2023 | 16:35 PM
- Hội thảo khoa học về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp 16.12.2023 | 14:38 PM
- Hội nghị khoa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch 28.10.2023 | 12:02 PM
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước mắm 15.02.2023 | 18:51 PM
- Tàu container lớn nhất thế giới 13.02.2023 | 08:42 AM
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập 23.09.2022 | 21:19 PM
- Hội thảo tư vấn, phản biện về cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ 07.06.2022 | 16:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh