Thứ 6, 15/11/2024, 11:09[GMT+7]

Trốn lệnh truy nã khó thoát

Thứ 7, 30/03/2024 | 21:43:41
9,273 lượt xem
Khi vi phạm pháp luật, nhiều đối tượng tội phạm bị truy nã tưởng chừng tội lỗi sẽ bị lãng quên sau nhiều năm lẩn trốn. Song, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã truy tìm và bắt các đối tượng về quy án.

Đối tượng Trần Đức Thọ, sinh năm 1960, trú tại tỉnh Quảng Ngãi bị bắt giữ sau 34 năm lẩn trốn lệnh truy nã.

Khi bị cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh tra tay vào còng, đối tượng Lâm Quang Thanh, sinh năm 1964, đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Nam Định vẫn không thể lý giải được sau hơn 30 năm lẩn trốn, dù đã liên tục thay đổi lý lịch và nơi ẩn náu cuối cùng đã bị phát hiện và bắt giữ tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trước đó, sau khi phạm tội  cố ý gây thương tích, Thanh đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 28/9/1993, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) đã ra quyết định truy nã đối với Lâm Quang Thanh về tội “Cố ý gây thương tích”. Khi lực lượng chức năng bắt giữ và di lý về Thái Bình thì đối tượng tiếp tục bỏ trốn. Ngày 20/12/2000, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định truy nã số 17 đối với Lâm Quang Thanh về tội “Cố ý gây thương tích” và “Trốn trên đường dẫn giải”.

Trước đó, trong quá trình lao động cải tạo, đối tượng Trần Đức Thọ, sinh năm 1960, trú tại tỉnh Quảng Ngãi, là phạm nhân phạm tội trộm cắp tài sản riêng công dân, đang chấp hành án tại trại tạm giam Công an tỉnh đã lợi dụng sơ hở trốn trại. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã phát lệnh truy nã vào ngày 27/3/1990. Trong quá trình trốn truy nã, đối tượng Trần Đức Thọ đã thay thông tin nhân thân, liên tục thay đổi vị trí ẩn náu gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh đã sử dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ, truy tìm đối tượng nhiều năm, qua nhiều tỉnh, thành phố. Sau khi xác minh thông tin, ngày 3/1/2024, tổ công tác của trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị của Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ Trần Đức Thọ sau 34 năm lẩn trốn trước sự ngỡ ngàng của đối tượng.

Thượng tá Hoàng Minh Dũng, Phó Giám thị trại tạm giam, Công an tỉnh chia sẻ: Truy tìm và bắt được đối tượng truy nã nguy hiểm, khó khăn hơn gấp nhiều lần so với các loại tội phạm khác, bởi nhiều đối tượng đã lẩn trốn lâu năm, trong khi trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ một số giai đoạn chưa phát triển, tàng thư, dữ liệu lưu trữ về đối tượng của lực lượng chức năng còn sơ sài, sai sót gây khó khăn cho công tác xác minh. Thủ đoạn lẩn trốn của các đối tượng truy nã ngày càng tinh vi, xảo quyệt; thông thường các đối tượng sau khi gây án thường tìm mọi cách bỏ trốn nhanh khỏi nơi cư trú, trốn sâu, trốn xa, chọn những địa bàn vùng núi hiểm trở, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, những nơi kinh tế - xã hội còn kém phát triển; một số đối tượng dựa vào các mối quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè để lẩn trốn, tìm mọi cách đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Các đối tượng truy nã còn sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thay đổi nơi cư trú, làm giả các loại giấy tờ, tạo vỏ bọc hợp pháp như tiểu thương, doanh nhân... để trốn ra nước ngoài, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy bắt.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp, rà soát số đối tượng truy nã; tổ chức tuyên truyền, vận động đối tượng bị truy nã ra đầu thú; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng áp dụng tổng hợp các biện pháp tổ chức xác minh, truy bắt. Cán bộ, chiến sĩ tham gia các kế hoạch, chuyên án đều tinh thông nghiệp vụ nên nhiều đối tượng truy nã bị bắt giữ dù đã dùng đủ “chiêu trò” để lẩn trốn.

Đối tượng Nguyễn Đặng Ngân, sinh năm 1945, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) bị bắt giữ sau 25 năm lẩn trốn truy nã. 

Cùng với đó, biện pháp vận động đầu thú có vai trò hết sức quan trọng vì bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng chức năng, người dân và cho cả đối tượng truy nã, giảm bớt công sức, thời gian, tiền của… Đặc biệt hơn, đó còn là biện pháp mang tính nhân đạo, nhân văn cao cả. Với đối tượng được vận động đầu thú đó là sự tự giác ngộ, tự ý thức được trách nhiệm và những hành vi sai trái đã gây ra, tự chuyển biến, hướng thiện từ trong tư tưởng. Từ việc tự nguyện ra đầu thú thì đối tượng cũng sẽ khai báo thành khẩn, khai rõ những hành vi vi phạm của bản thân và đồng bọn, tạo điều kiện giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ các vụ án còn tồn đọng và thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. 

Điển hình, sau khi xác minh đối tượng đang lẩn trốn truy nã bên Trung Quốc, bằng biện pháp nghiệp vụ, qua thời gian dài, cán bộ trại tạm giam, Công an tỉnh đã kiên trì vận động người thân thuyết phục đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa, sinh năm 1967, trú tại xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình), bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phát lệnh truy nã ngày 14/11/1989 đã tự giác về Việt Nam đầu thú và chấp hành hình phạt của pháp luật sau 35 năm lẩn trốn... 

Tính riêng trong năm 2023, 10 đối tượng truy nã đã bị các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố vận động đầu thú và bắt giữ.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: Để nâng cao hiệu quả công tác phát giác, đấu tranh và truy bắt các đối tượng truy nã đòi hỏi sự nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác truy nã, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Do vậy, cần tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cũng như sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng lực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường bám nắm địa bàn, cơ sở, kết hợp chặt chẽ công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội với tăng cường các biện pháp quản lý công khai và công tác nghiệp vụ cơ bản để phát hiện truy bắt hoặc vận động đối tượng truy nã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện, bắt giữ hoặc cung cấp thông tin về nơi lẩn trốn của đối tượng truy nã cho lực lượng chức năng truy bắt. Tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với đối tượng truy nã ra đầu thú, nhất là đối với thân nhân, thông qua họ vận động đối tượng ra đầu thú.

Trịnh Cường