Chủ nhật, 10/11/2024, 10:09[GMT+7]

Hải Phòng sẽ là trung tâm nhân lực chất lượng cao ngành điện tử, bán dẫn

Thứ 2, 01/04/2024 | 11:13:53
2,038 lượt xem
Hải Phòng đang có nhiều hợp tác trong đào tạo và đầu tư cho khoa học công nghệ, theo đó đây sẽ là một trong những trung tâm hàng đầu đất nước về nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử và bán dẫn.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ phải qua), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang (thứ ba từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan phòng thí nghiệm của Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ niềm tin khi đánh giá Chương trình phối hợp hoạt động về khoa học và đổi mới sáng tạo với UBND TP Hải Phòng, chiều 29/3.

Ông đánh giá cao kết quả sau hơn một năm triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ và UBND thành phố Hải Phòng. "Đây là mô hình hợp tác thành công nhất, được đánh giá cao nhất khi bộ triển khai thực hiện với các địa phương", ông Đạt nói.

Hải Phòng đã cụ thể hóa chương trình phối hợp bằng các nhiệm vụ: cung cấp dữ liệu tính toán Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); hoàn thành áp dụng chương thí điểm tiêu chuẩn TCVN ISO 18091-2020 tại 12 quận huyện; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống chất lượng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; tổ chức thành công các đoàn công tác về khảo sát, kết nối cung - cầu công nghệ...

Theo Bộ trưởng, thành phố Hải Phòng xếp từ ba toàn quốc về PII là kết quả của nhiều năm nỗ lực, đầu tư liên tục trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thực tế, khi Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thí điểm xây dựng đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo địa phương vào năm 2022, Hải Phòng là một trong những địa phương xung phong thực hiện.

Ghi nhận các kết quả đạt được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ mong muốn Hải Phòng lưu tâm hơn trong việc triển khai chương trình hợp tác, bố trí nguồn lực và cách thức triển khai.

Ông thẳng thắn, một số chương trình khoa học công nghệ lớn có tầm ảnh hưởng đến phát triển của thành phố mới chỉ ở giai đoạn đầu. "Hải Phòng chưa tạo được sự chuyển biến lớn kéo theo nhiều sở ngành, vụ, cục hay doanh nghiệp lớn tham gia", Thứ trưởng Giang nói.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị TP Hải Phòng tiếp tục quan tâm đến đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, sử dụng khoảng 2% ngân sách cho hoạt động này.

Bảng mạch đồng hồ Appe được sản xuất tại Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam. Ảnh: Lê Tân

Bảng mạch đồng hồ Appe được sản xuất tại Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.

Tại buổi làm việc lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP Hải Phòng chứng kiến ký kết hợp tác giữa Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ giáo dục quốc tế SunEdu và Ban quản lý các khu kinh tế Hải Phòng về đào tạo nhân lực.

Theo thỏa thuận hợp tác, giai đoạn 2024 - 2027, các bên sẽ đào tạo 1000 đến 1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về vi mạch cho đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại Hải Phòng và các vùng lân cận; đào tạo 3.000 - 5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch cùng nhiều hoạt động nghiên cứu, hợp tác khác trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá đây là hoạt động thiết thực nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là công nghiệp bán dẫn, đang có vai trò ngày càng quan trọng với nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Bộ trưởng cho biết, trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành sau Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ông cho biết thời gian qua, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng. Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... Nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip....

Trước đó, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thăm Công ty TNHH Vật liệu nam châm Sin- Etsu Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam, có trụ sở tại Hải Phòng. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng về những chính sách thu hút đầu tư của TP Hải Phòng và cam kết sẽ đầu tư lâu dài, bền vững, bảo vệ môi trường và trọng dụng nhân tài Việt Nam.

Ông Sakashita, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vật liệu nam châm Sin- Etsu Việt Nam hy vọng sớm được tiếp cận nguồn đất hiếm của Việt Nam để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc đang có giá thành cao và bị kiểm soát quá khắt khe.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận ý kiến của đại diện doanh nghiệp và mong có một cuộc làm việc kỹ hơn về công nghệ khai thác đất hiếm của Nhật Bản.

Theo vnexpress.net