Thứ 7, 09/11/2024, 22:10[GMT+7]

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ 6, 12/04/2024 | 15:38:03
20,878 lượt xem
Sáng ngày 12/4, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ban Chỉ đạo) chủ trì kỳ họp trực tiếp kết hợp trực tuyến lần thứ nhất Ban Chỉ đạo với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự họp tại điểm cầu Thái Bình.

Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm (2018 - 2022) thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Năm 2022, GRDP của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2022 đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng). Về phát triển kinh tế biển và ven biển, ngành du lịch đã có sự phát triển nhanh, khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đang được hình thành nhanh chóng tại các địa phương ven biển. Các trung tâm du lịch biển hiện đại có tầm vóc quốc tế được hình thành; sản phẩm du lịch biển đa dạng như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan thắng cảnh, sinh thái biển… Trong những năm gần đây, cả nước đã xây dựng thêm nhiều nhà máy điện khí lớn với công nghệ mới, hiện đại sử dụng nguồn khí khai thác trong nước. Tính đến hết năm 2022, ngành dầu khí đã khai thác được trên 425 triệu tấn dầu và khí ngưng tụ, trên 173 tỷ m3, đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước. 

Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn, có nhiều sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. 

Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha. Tính đến hết năm 2022, các khu kinh tế ven biển cả nước có 553 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 54,36 tỷ USD; có 1.604 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,37 triệu tỷ đồng.

Tại hội nghị, các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá tình hình phát triển các ngành kinh tế biển, công tác đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế biển và nêu các khó khăn, tồn tại dẫn đến khai thác kinh tế biển ở nhiều vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Qua đó, nêu các đề xuất, kiến nghị phát triển bền vững kinh tế biển như: hoàn thiện nghị định về giao khu vực biển, quy hoạch không gian biển, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về biển và đảo, bố trí nguồn lực đủ mạnh…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng gợi mở một số định hướng thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển: tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; khuyến khích đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan tâm đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phát triển thủy sản phục vụ nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ nuôi trồng xa bờ. Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; khai thác hiệu quả cảnh quan biển đảo, đa dạng loại hình dịch vụ du lịch, phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, kết nối chuỗi liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương; tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hình thành cơ sở dữ liệu thông tin biển quốc gia.

Ngân Huyền