Chủ nhật, 10/11/2024, 05:36[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo vệ lúa và cây màu xuân

Thứ 7, 20/04/2024 | 23:44:40
1,117 lượt xem
Xác định vụ xuân là vụ chủ lực quyết định kết quả sản xuất trong năm, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nông dân các địa phương huyện Thái Thụy tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa và cây màu, hướng tới vụ xuân thắng lợi.

Nông dân xã Thái Nguyên (Thái Thụy) chăm sóc lạc.

Gieo cấy hơn 4 sào lúa xuân, những ngày qua, ông Ngô Duy Học, tổ dân phố Bao Trình, thị trấn Diêm Điền vài ba ngày lại ra đồng kiểm tra lúa xuân của gia đình. Theo kinh nghiệm của lão nông này, thời kỳ lúa đẻ nhánh, chuyển sang đứng cái làm đòng nếu gặp điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao rất dễ phát sinh sâu bệnh gây hại. Nếu không chủ động các biện pháp phòng, trừ kịp thời, để sâu bệnh lan ra diện rộng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lúa. 

Hiện nay, hơn 11.000ha lúa xuân của huyện Thái Thụy trong thời kỳ đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh, một số diện tích trà sớm ở giai đoạn phân hóa đòng. Trong điều kiện thời tiết âm u, thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các giống nhiễm như nếp, TBR225, BC15..., một số diện tích đã xuất hiện các khóm lùn lụi, nhiều vết bệnh mới, vết bệnh cấp tính đang phát triển có khả năng lây nhiễm cao. Trong khi đó, theo dự báo trong những ngày tới thời tiết tiếp tục có mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao là thời điểm trùng với giai đoạn cây lúa mẫn cảm nhất với bệnh đạo ôn, bệnh có nguy cơ lan rộng và gây hại nặng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân nếu không có biện pháp phòng, trừ hiệu quả, kịp thời. Ngành nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo vệ lúa: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; tranh thủ thời tiết tạnh ráo, dùng thuốc đặc hiệu phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lá, giữ mực nước nông thường xuyên trên mặt ruộng. Tuyệt đối không sử dụng phân bón lá có chứa nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng, không bón đạm đơn cho những diện tích lúa đang bị nhiễm bệnh đạo ôn vì sẽ làm cho lá lúa mềm mỏng, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại mạnh hơn và khi phòng, trừ sẽ khó khăn hơn. 

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nông dân trong huyện tập trung cao các điều kiện cho sản xuất. Cùng với chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân, bà con chú trọng chăm sóc cho cây màu. 

Có mặt tại cánh đồng màu xã Thái Nguyên những ngày này, chúng tôi chứng kiến màu xanh bạt ngàn của các loại cây trồng. Nhanh tay nhổ cỏ, bắt sâu cho những chân ruộng trồng lạc đang chuẩn bị ra hoa đậu củ, bà Bùi Thị Nhuyên cho biết: Tôi trồng gần 4 sào lạc. Để cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, tập trung ra hoa đậu củ nhiều hơn, tôi bón phân củ quả, không bón đạm đơn. Giá hiện là 50.000 - 53.000 đồng/kg lạc khô, năm nay được giá nhất, chúng tôi rất phấn khởi. 

Tại cánh đồng màu kế bên của HTX Ngọc Thịnh, một số diện tích dưa chuột bò, ớt đang cho thu hoạch rộ. Chị Lê Thị Mão cho biết: Dưa đã bắt đầu thu hoạch. Với năng suất và giá cả hiện nay, người dân rất hào hứng, loại 1 là 13.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg. Tới đây tôi tiếp tục thu cây đậu, xen canh vào cây ớt, giúp tiết kiệm quỹ đất, tăng thu nhập gia đình. 

Với thời gian trồng ngắn, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, sản xuất cây màu xuân, hè đang được nhiều địa phương đẩy mạnh, mở rộng diện tích. 

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng cây màu hè gần 1.700ha, trong đó dưa các loại 500ha gồm: dưa hấu, dưa lê, dưa hồng, dưa chuột, còn lại trồng đậu đỗ lấy hạt. Ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân tận dụng tối đa quỹ đất để trồng cây màu hè; mở rộng diện tích cây màu hè xen trên đất hai lúa, áp dụng biện pháp kỹ thuật làm bầu cây con để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng phát triển; thời vụ kết thúc trong tháng 5. Hiện cây màu đã trồng đang sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, những ngày qua mưa ẩm kéo dài, độ ẩm không khí cao, nên các đối tượng sâu bệnh phát triển khá mạnh. Trên các cây con thường bị bệnh lở cổ rễ, cây họ bầu bí như dưa chuột, dưa hấu, dưa lê xuất hiện bệnh phấn trắng, sương mai, cây lạc bị bệnh đốm lá, rỉ sắt, hay bệnh thán thư trên cây ớt. Để bảo vệ cây trồng, trong quá trình chăm sóc, nông dân cần hạn chế tưới, bón phân đạm, phun chất kích thích sinh trưởng; thường xuyên thăm đồng kiểm tra phát hiện các đối tượng gây bệnh để có các biện pháp phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Lê Lan

(Đài TTTH Thái Thụy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày