Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ nhật, 21/04/2024 | 09:23:30
927 lượt xem
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Đảng ta đã huy động được lực lượng lớn dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu/TTXVN phát).

Thắng lợi vĩ đại nêu trên được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử của dân tộc anh hùng; dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh con người Việt Nam tiếp tục được khẳng định với cây cột mốc bằng vàng của lịch sử - Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng sinh động sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Một là, đường lối chiến tranh nhân dân đúng, sáng tạo: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chính nghĩa, trong đó sức mạnh chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ. Nét đặc sắc của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện.

Đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phù hợp với truyền thống đấu tranh của dân tộc; tạo nên thế trận “thiên la địa võng”, cả nước đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài; giặc đi đến đâu cũng bị đánh, đánh giặc bằng mọi vũ khí. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(1).

Do tương quan lực lượng chênh lệch, nhất là về tiềm lực kinh tế, quân sự, để bảo đảm tiến hành chiến tranh nhân dân thắng lợi, Đảng ta nhạy bén và kiên quyết thực hiện phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nhờ đó, tiềm lực của chiến tranh nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, tạo cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành toàn thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc: Thấu triệt nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh vũ trang, tổ chức quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích vững mạnh, rộng khắp. Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, lực lượng chủ lực phát triển cấp đại đoàn và đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ta có thêm đại đoàn pháo binh, phòng không. Với sự lớn mạnh vượt bậc đó, ta có điều kiện mở các chiến dịch tiến công chiến lược quy mô lớn, có tính quyết định.

Phân tích, đánh giá đúng tình hình địch-ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm “Tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên Mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”(2). Trong trận quyết chiến chiến lược này, ta tập trung lực lượng bộ đội chủ lực tham gia, gồm: ba đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Đại đoàn công pháo 351, một trung đoàn thuộc Đại đoàn 304 và một số đơn vị binh chủng; lực lượng phục vụ chiến dịch rất lớn, gồm: 6.280 ô-tô vận tải, 21 nghìn xe đạp thồ, 251 nghìn dân công...

Thực tiễn chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân được tổ chức chặt chẽ, rộng khắp, do đó, quân và dân ta đã lập nên những kỳ tích phi thường, đặc biệt là khi ta chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, khiến quân địch đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và sau cùng, ngày 7/5/1954, quân ta giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, phát huy sức mạnh của các lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam: Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, sức mạnh đoàn kết quân dân, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh bất kể ngày đêm, đã tích cực, khẩn trương hoàn thành một khối lượng công việc tưởng như không thể. Chỉ hơn ba tháng (12/1953-3/1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở các Đường số 41, Đường số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, với tổng chiều dài khoảng 300 km.

Trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”(3). Đánh giá về sức mạnh của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc… Bọn đế quốc… không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”(4).

Trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Cùng với những đóng góp tích cực của nhân dân cả nước về lương thực, thực phẩm, lực lượng dân công các địa phương được huy động. Nhà báo Giuyn Roa (Đại tá Quân đội Pháp) viết: “... Không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni-lông trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”(5).

Bốn là, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các chiến trường với Chiến dịch Điện Biên Phủ: Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, với đường lối kháng chiến đúng, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã từng bước phá tan kế hoạch quân sự của Nava. Đặc biệt, thắng lợi của quân ta trong trận tập kích sân bay Gia Lâm (4/3/1954) và tập kích sân bay Cát Bi (7/3/1953) đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên các mặt trận.

Tiếp đó, khi trận quyết chiến chiến lược diễn ra, các chiến trường trong cả nước đều tích cực “chia lửa” thi đua chiến đấu với Điện Biên Phủ.

Tại Nam Bộ, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3/1954, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tiến công để phối hợp chiến trường chính Điện Biên Phủ. Các tiểu đoàn chủ lực của các phân liên khu và tỉnh kết hợp bộ đội địa phương tiến công vào vùng địch hậu ở các tỉnh và các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ số 1, số 13, số 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn-Phan Thiết, Sài Gòn-Lộc Ninh.

Tại tỉnh Bình-Trị-Thiên, hai ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ngày 15/3/1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 chỉ thị cho Bình-Trị-Thiên tích cực phối hợp chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh mạnh trên đường giao thông, tích cực chống càn quét, chống bắt lính nhằm kéo giãn lực lượng địch.

Tại miền Nam Trung Bộ(6), Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương tập trung lực lượng phát triển vào Nam Tây Nguyên, đánh mạnh trên Đường 14, Đường 7, đặc biệt là trên Đường 19, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch…

Tại Bắc Bộ, phối hợp chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên mở nhiều đợt “tổng công kích” đánh phá Đường số 5 và các tuyến vận chuyển chiến lược của địch. Ở Hà Nội, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác địch vận của Thành ủy, ở sân bay Bạch Mai, chỉ trong năm ngày, có tới 1.200 binh lính đào ngũ(7).

Kết quả hoạt động của các chiến trường phối hợp có ý nghĩa quan trọng, khiến địch khó khăn, bị động trong việc bổ sung lực lượng ứng cứu, tạo điều kiện để quân ta tập trung siết chặt vòng vây lửa, tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ.

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó nghiên cứu, vận dụng sáng tạo bài học phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.534.

(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H, 1991 , tr.14.

(3) Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb QĐND,

H, 1993, tr.305.

(4) Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H, 1974, tr.158-159.

(5) Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr.284.

(6) Theo lệnh của Nava, ngày 12/3/1954, tướng Đờ Bô-pho huy động

40 tiểu đoàn mở tiếp cuộc hành quân mang tên Át-lăng 2 đánh chiếm

Quy Nhơn và Bình Định.

(7) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập V, Nxb QĐND, H, 1992, tr. 234.


ĐẠI TÁ, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo: nhandan.vn