Thứ 5, 14/11/2024, 15:29[GMT+7]

Sản xuất rau an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thứ 2, 22/04/2024 | 22:06:35
1,849 lượt xem
Nắm bắt nhu cầu của thị trường về sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, HTX DVNN Thụy Dương, xã Dương Phúc (Thái Thụy) đã xây dựng vùng sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản, qua đó nâng cao giá trị cây màu, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Vụ xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thủ, xã Dương Phúc (Thái Thụy) trồng 3 sào dưa chuột bao tử, dưa gang.

Vụ xuân năm nào ông Nguyễn Văn Thủ, xã Dương Phúc cũng trồng hơn 3 sào dưa chuột, dưa gang. Hai năm trở lại đây, qua HTX, ông Thủ trồng dưa chuột bao tử bán cho công ty. Các công đoạn từ xuống giống cho đến việc chăm sóc đều được thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn do HTX, doanh nghiệp hướng dẫn. Ông Thủ cho biết: Trước đây, chúng tôi trồng rau theo cách làm cũ, chỉ chú trọng tới năng suất, việc tiếp xúc với phân, thuốc hóa học cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe. Sau khi được động viên, tập huấn của HTX và doanh nghiệp, tôi chuyển sang trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu; yêu cầu khắt khe hơn song sản phẩm bảo đảm chất lượng, không lo tiêu thụ nên thu nhập cũng ổn định hơn. 

Trồng rau an toàn là hướng đi và cũng là yêu cầu bắt buộc của ngành nông nghiệp. Từ vụ xuân năm 2023, HTX DVNN Thụy Dương đã xây dựng và triển khai mô hình sản xuất an toàn với quy mô 20ha, trồng dưa chuột, dưa gang và đậu đỗ. Thành viên khi tham gia được doanh nghiệp cung cấp giống, tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, xử lý các mầm bệnh có trong đất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau, chọn giống, chăm sóc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau, cách xử lý và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp... cho đến lúc thu hoạch. Bà Lã Thị Oanh, thành viên tham gia mô hình cho biết: HTX kiểm soát việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh để bảo đảm không có lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học khác tồn dư trong nông sản. Điều này cũng góp phần bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho xã viên trong quá trình gieo trồng, chăm sóc. 

Nông sản sản xuất ra được doanh nghiệp bao tiêu và đại lý thu mua. Năm 2023, trừ chi phí, mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị mang lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/ sào. Ông Nguyễn Văn Ghi, Phó Giám đốc HTX DVNN Thụy Dương cho biết: Để bảo đảm chất lượng rau an toàn, vừa qua, HTX được hỗ trợ một kho lạnh bảo quản nông sản với công suất 5 tấn, thiết bị sục rửa ozon và thiết bị đóng gói hút chân không. HTX đang triển khai xây dựng trang tin điện tử, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc để quảng bá và giới thiệu sản phẩm rau, củ, quả của xã Dương Phúc; củng cố, nâng cao hoạt động của HTX để thực hiện tốt công tác điều hành, quản lý. 

Việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn như cách mà HTX DVNN Thụy Dương đang thực hiện là hướng đi đúng đắn để nông sản có chỗ đứng trên thị trường, xây dựng được thương hiệu cũng như sự tin tưởng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu, tiêu chí của bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao mà các địa phương đang hướng tới, phát huy nội lực của người dân; đưa người nông dân từ sản xuất theo truyền thống, thu nhập bấp bênh sang chuyên nghiệp hơn, giúp họ làm giàu một cách bền vững. 

Cán bộ HTX DVNN Thụy Dương hướng dẫn thành viên chăm sóc cây dưa. 

Lưu Ngần