Chủ nhật, 10/11/2024, 05:59[GMT+7]

Khẩn trương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa khô ứng phó với nắng nóng

Thứ 4, 24/04/2024 | 10:25:25
2,210 lượt xem
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô - Ảnh: EVN.

Nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao do nắng nóng kéo dài

Theo thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 62,66 tỷ kWh, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023. Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao ở một số địa phương như: Khánh Hoà (38,87%), Quảng Nam (33,11%), Đà Nẵng (28,5%), Kiên Giang (23,89%)…

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29 tháng 3 cho biết, tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).

Bên cạnh đó, điện cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 35,18% cũng có xu hướng tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 13,71% với nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng từ đầu tháng 3 và kéo dài, nhiệt độ cao nhất là 36,45 độ C cao hơn tháng 3 năm 2023 (34,13 độ C). Trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn so với dự báo. 

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều địa phương những ngày qua khiến tiêu thụ điện trên toàn quốc tiếp tục duy trì ở mức cao. Lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của cả nước tới 881,2 triệu kWh, cao hơn 2,4 triệu kWh so với tuần trước.

Nếu so với tính toán dự kiến của tháng 4, điện tiêu thụ thực tế đã tăng cao hơn tới 15,5 triệu kWh. Trong đó, riêng miền Bắc, tiêu thụ điện một tuần qua đã tăng thêm hơn 13 triệu kWh/ngày. "Tính từ đầu năm đến nay, tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Miền Bắc tăng 10,2%, miền Trung tăng 7,6% và miền Nam tăng 11,3%", Cục Điều tiết Điện lực cho hay.

Điều đáng quan ngại nhất chính là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25-80% trung bình nhiều năm. 

Khu vực miền Trung đang có tới 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17 - 92% của trung bình nhiều năm. Chỉ có 7/27 hồ có nước về tốt nhưng đều là các hồ thủy điện nhỏ như ĐakĐrinh, Thượng KonTum, Đak Re. Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ hồ thủy điện Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, tất cả các hồ còn lại trong khu vực đều có nước về chỉ đạt từ 24-74% trung bình nhiều năm.

Điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện

Để đảm bảo nguồn điện, cơ quan quản lý đã buộc phải tăng huy động nhiệt điện để tiết kiệm thủy điện đồng thời tận dụng tối đa khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc. Các nhà máy BOT (Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1) được huy động để đảm bảo nhu cầu hệ thống.

Trên cơ sở báo cáo cập nhật của EVN và bám sát tình hình thực tiễn, văn phòng Bộ Công Thương cho biết, ngày 19/4/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.

Đây là điểm mới trong công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tế nhằm chủ động trong mọi tình hình.

Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3110/QĐ- BCT được điều chỉnh là 310,6 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.

Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6,7) trong năm 2024 để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia tại Điều 1 Quyết định số 3376/QĐ-BCT được điều chỉnh là 111,468 tỷ kWh.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương xuyên suốt trong công tác đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan. 

Bên cạnh việc tiếp tục yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao từ đầu năm, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô cũng như các tháng còn lại trong năm 2024 cụ thể như sau:

Đối với EVN, Bộ Công Thương yêu cầu công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện; 

Hàng tháng (đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô), EVN thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024. Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp; 

EVN cần tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.

Đối với PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương đề nghị cần tập trung phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực tại địa phương để tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/2023/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp sau; tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện tại địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với các giải pháp vận hành khả thi, việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2024 sẽ được đảm bảo.

Theo baochinhphu.vn