Thứ 5, 14/11/2024, 11:03[GMT+7]

Thái Bình phát huy truyền thống “thóc thừa cân, quân vượt mức”

Thứ 3, 30/04/2024 | 07:06:20
5,767 lượt xem
Khắc ghi lời dạy của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”..., góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thành phố Thái Bình hôm nay.

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Đã 49 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng trong ký ức của cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Chung, tổ 9, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) vẫn nhớ như in những cuộc hành quân xuyên đêm, xuyên rừng và những trận đánh sinh tử giữa ta và địch để giành từng tấc đất... 

Ông Chung nhớ lại: Tôi nhập ngũ năm 1970 biên chế vào Tiểu đoàn đặc công 13, Trung đoàn đặc công 429 miền Đông Nam Bộ với tâm thế xác định “ra đi không hẹn ngày về”, luôn tin vào Đảng và Bác Hồ về một ngày mai thắng lợi, hòa bình, thống nhất đất nước. Qua thời gian huấn luyện và 5 tháng hành quân bộ trên đường Trường Sơn sau những trận sốt rét “thừa sống thiếu chết”, 66 người trong đơn vị tôi đã chết vì sốt rét. Sau đó, anh em được phân về các đơn vị chiến đấu. Là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội đặc công luôn kiên định ý chí đánh địch theo phương châm “Bí mật, bất ngờ, luồn sâu, áp sát, đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch”. Có những trận chiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết, cả đơn vị hy sinh gần hết nhưng chúng tôi vẫn vững một niềm tin “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trải qua bao trận chiến ác liệt, trưa ngày 30/4/1975, đơn vị tôi tiến vào tiếp quản Sài Gòn, chứng kiến hàng nghìn lá cờ giải phóng tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào. Xác lính ngụy, quân tư trang ngổn trang trên đường phố, số tàn quân bỏ hết vũ khí, quần áo trà trộn vào đám đông tìm cách tháo chạy. Khí thế đó tạo nên sức mạnh, cổ vũ rất lớn đối với những người lính Cụ Hồ. Anh em ai nấy đều khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Chúng tôi thật sự may mắn hơn nhiều đồng đội khi được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc.

49 năm qua, mỗi lần nghe lại khúc ca khải hoàn “Đất nước trọn niềm vui” thì trong lòng cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Chung lại nghẹn lại, đau đáu nhớ về những đồng đội đã hy sinh. 

“Đến giờ tôi vẫn ân hận vì không kịp hỏi tên, quê quán của 2 chiến sĩ đã cứu sống tôi sau khi bị thương trong trận đánh vào Trung đoàn bộ binh dã chiến của Mỹ - ngụy tại Chơn Thành, tỉnh Bình Long đêm ngày 14/9/1972, những đồng đội bị thương và những y tá đã chăm sóc mình tại Bệnh viện dã chiến K21. Nếu không có những đồng đội ấy thì tôi đã bỏ mạng nơi chiến trường” - ông Chung nghẹn ngào tâm sự.

Tiếp nối truyền thống cha ông, tuổi trẻ Thái Bình hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng và động viên thanh niên nhập ngũ năm 2024.

Những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp gỡ các cựu chiến binh là những người lính “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong ký ức của họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày đại thắng 30/4/1975 khi non sông thu về một mối. 

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Tiến, xã Tự Tân (Vũ Thư) chia sẻ: Tôi là lính lái xe Trường Sơn, biên chế tại Binh trạm 33, Đoàn 559 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng đặc biệt, súng đạn, quân tư trang... trên tuyến lửa Trường Sơn ác liệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi đã trải qua sự khốc liệt của “mưa bom bão đạn”, nỗi đau xé lòng chứng kiến đồng đội hy sinh, sự sống và cái chết rất mong manh. Thế nhưng, niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm đã giúp những người lính vượt lên tất cả. Trưa ngày 30/4/1975 khi đang quay ra lấy hàng tại Quảng Trị thì chúng tôi nhận được tin chiến thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng sau bao nhiêu năm chờ đợi. Anh em chiến sĩ hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Niềm vui chiến thắng cứ kéo dài mãi đến tận hôm nay và luôn đi theo tôi cùng năm tháng, là động lực để tôi tiếp tục làm nhiệm vụ trong những ngày sau giải phóng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên 21 vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc (18%). Toàn tỉnh Thái Bình có hơn 80% gia đình có người đi bộ đội, thanh niên xung phong. Hơn 34.000 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người đã hiến dâng một phần xương máu nơi chiến trường, gần 34.000 người nhiễm chất độc da cam/Điôxin.

Tự hào “Quê hương năm tấn”

Thi đua với tiền tuyến, ở hậu phương, quân và dân toàn tỉnh “vững tay cày, chắc tay súng” vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, đưa Thái Bình trở thành “Quê hương năm tấn”, là niềm tự hào, biểu tượng về tinh thần thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của toàn miền Bắc. Thái Bình cũng đã chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. Trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã tổ chức tốt công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay, bắn bị thương 4 tàu chiến. 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân (Vũ Thư) kể lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hầu hết nam giới tỉnh Thái Bình được huy động ra chiến trường, các lực lượng lao động còn lại ở địa phương đã hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương. Mỗi chúng tôi đều thực hiện tốt các khẩu hiệu: “Gánh thêm 1 gánh đất, làm thêm 1 giờ, thêm 1 ngày để góp phần thống nhất đất nước”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”; nêu cao tinh thần “bốn không”: Không đòi hỏi quyền lợi, không ngại mưa nắng, không quản ngày đêm, không tiếc công sức. Đặc biệt, trong phong trào làm thủy lợi, đoàn viên, thanh niên Thái Bình đã thi đua cải tiến công cụ, làm thủy lợi ban đêm, tăng hiệu quả lao động từ 300 - 500%. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, cuối năm 1966, đầu năm 1967, Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm. Bác căn dặn: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, sau một năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Trong ký ức của cán bộ, nhân dân Thái Bình, năm 1967 là một năm thật đáng ghi nhớ, đầu năm Bác về thăm, động viên, giữa năm Bác viết báo biểu dương, cuối năm Bác gửi thư khen.  

49 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, năng động sáng tạo, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nổi bật. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18% (năm 2021 tăng 7,66%; năm 2022 tăng 9,52%, xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18 cả nước; năm 2023 tăng 7,37%, xếp thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng). Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 67.948 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2020. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 9,7%/năm, trong đó: khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,5%/năm; khu vực dịch vụ tăng 6,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 62,4 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Năm 2023: Công nghiệp và xây dựng chiếm 45% (năm 2021 chiếm 40,2%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,9% (năm 2021 chiếm 23,4%). Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP tăng từ 72,5% năm 2020 lên 78,9% năm 2023; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động toàn xã hội giảm từ 30,7% năm 2020 xuống 25,5% năm 2023. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền thuộc tốp đầu cả nước. Hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm chất lượng, khoa học, có tầm nhìn và nhiều định hướng, đột phá, phát triển mới; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét và đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh, tạo được niềm tin, sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt trên 4,1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với từ năm 2020 trở về trước (riêng năm 2023, thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố). Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 153.011 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; riêng năm 2023 tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 98.256,6 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm tăng mạnh, hai năm liền (2022 - 2023) vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới/ năm.

Nhờ chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, Thái Bình đã xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện. Việc tích tụ đất đai được đẩy mạnh, hình thành nhiều mô hình hiệu quả, cơ bản khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang. Nhiều cách làm hay, sáng tạo được thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tạo diện mạo văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.  

Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) là dịp để mỗi người dân Thái Bình ôn lại chặng đường vẻ vang hào hùng của dân tộc Việt Nam, của “quê hương năm tấn”, tiếp lửa cho thế hệ mai sau truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất để biến niềm tự hào đó thành sức mạnh, ý chí quyết tâm xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.


Ông Hà Ngọc Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy
Với những cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng hào hùng của dân tộc thì những ký ức, giá trị của đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Giờ đây, mỗi cán bộ, hội viên cựu chiến binh huyện Thái Thụy đem hết kinh nghiệm tích lũy để thực hiện tốt công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền; giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ; đồng hành và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Nhiều hoạt động tri ân, tặng quà, tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng được hội cựu chiến binh các cấp phối hợp tổ chức trong dịp này. Thông qua các hoạt động, Hội cựu chiến binh huyện mong muốn khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân, đồng thời phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Đức Cứu, thôn Trung Quý, xã Thượng Hiền (Kiến Xương)
Sau 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị rồi tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, tôi cùng đơn vị Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 của đồng chí Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau khi chiến dịch toàn thắng, là một thương binh tôi trở về địa phương, tham gia công tác hội cựu chiến binh từ xã tới huyện 15 năm, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tự nguyện ủng hộ xây dựng đường bê tông trục thôn với chiều dài 350m với kinh phí gần 300 triệu đồng. Được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là niềm vinh dự, tự hào nhất trong cuộc đời của tôi. Cứ mỗi dịp 30/4, tôi lại cùng các đồng đội ôn lại những năm tháng khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng rất đỗi hào hùng, vĩ đại của dân tộc và mùa xuân đại thắng năm 1975 sẽ luôn là mùa xuân vẻ vang, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch. Giờ đây, quê hương, đất nước đã đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, tôi mong muốn thế hệ mai sau tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức học tập, rèn luyện để cống hiến cho đất nước, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh
Ông Đặng Đình Viên, xã Liên Hoa (Đông Hưng)
Năm 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ, là lính trinh sát vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. 21 tuổi vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay tại chiến trường. 17 năm chiến đấu, chỉ huy nhiều trận đánh, dưới “mưa bom bão đạn” nguy hiểm cận kề, tôi đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng vĩ đại mùa xuân 1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, với sự vận dụng sáng tạo, tài tình, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại, tạo nên sức mạnh to lớn áp đảo quân địch, khiến địch bất ngờ, liên tục thất bại. Ở đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được tỏa sáng để đưa đất nước ta đến ngày toàn thắng, non sông thu về một mối.

Trung úy Nguyễn Thế Văn, Đại đội Trinh sát cơ giới, Bộ CHQS tỉnh
Tôi luôn trân trọng, tự hào về quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để đem lại độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Là cán bộ được đào tạo chuyên ngành trinh sát đặc nhiệm, tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước và của lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình, bản thân tôi nguyện trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng để làm chủ được các loại vũ khí trang bị, phương tiện có trong biên chế, nhất là việc bảo quản, sửa chữa thường xuyên; nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xử lý tốt mọi tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và mọi nhiệm vụ mà Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 3 giao.
Anh Đỗ Như Quân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hiệp Hòa (Vũ Thư)
Tôi cũng như các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa. Chúng tôi luôn tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc. Với lớp trẻ chúng tôi, ngày 30/4 là ngày tri ân vô hạn đối với các thế hệ cha ông đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, đem lại hòa bình, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ấm no, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, chúng tôi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải ra sức gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại đó; phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, những đoàn viên, thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, tôi và các bạn trẻ phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ khoa học công nghệ; xác định bảo vệ Tổ quốc, nâng cao cảnh giác cách mạng là nhiệm vụ thường xuyên và hàng đầu.



Mạnh Cường