Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Tạ Quốc Luật: Người bắt sống tướng De Castries

Thứ 3, 07/05/2024 | 07:49:22
17,073 lượt xem
Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là nhắc đến tinh thần chiến đấu quật cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta. Trong trận chiến đầy cam go, sinh tử ấy, có tấm gương chiến đấu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật - người Đại đội trưởng gan dạ, dũng cảm, dẫn đầu tổ xung kích xông vào bắt sống tướng De Castries.

Bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tái hiện hình ảnh lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954.

Tạ Quốc Luật sinh năm 1925 ở xã Thụy Hải (Thái Thụy). Mang trong mình truyền thống yêu nước, cách mạng của gia đình và quê hương, Tạ Quốc Luật là cháu của danh nhân văn hóa Tạ Hiện (Đề Hẹn), một lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp. Các anh, chị, em ruột của ông đều là những cán bộ lão thành cách mạng, anh cả là ông Tạ Bá Khả tham gia cách mạng từ năm 1928, là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Thụy Hải; chị gái của ông là bà Tạ Thị Cảnh (Tạ Thị Minh Hải) tham gia cách mạng từ năm 1940, là chiến sĩ tình báo hoạt động tại nội thành Hà Nội; ông Tạ Quốc Lệ (anh em song sinh với Tạ Quốc Luật) tham gia cách mạng từ năm 1939. 

Theo tài liệu được ghi chép tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Tạ Quốc Luật sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Lúc còn nhỏ, ông theo cha chèo ống, đánh cá mưu sinh. Tháng 9/1939, ông gia nhập Thanh niên phản đế, Thanh niên cứu quốc. Tháng 9/1943, ông được cử đi học tập và đào tạo cán bộ tại Nghệ An. Từ tháng 1 - 7/1945, ông tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1945, được kết nạp vào Đảng năm 1949 và đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn. Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt đã rèn luyện nên một Tạ Quốc Luật gan dạ, mưu trí, rắn rỏi. 

Ngày 24/2/1953, đơn vị của Tạ Quốc Luật được lệnh hành quân lên Tây Bắc, vượt qua chặng đường dài 500km tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ mở đường và kéo pháo vào trận địa. 15 giờ ngày 7/5/1954, Đại đoàn 312, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 316 được lệnh tấn công. Ở phía Đông, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu nhận nhiệm vụ tấn công theo hướng vượt cầu Mường Thanh, đã nhanh chóng tiêu diệt gọn các cứ điểm 508, 509 và 507, cứ điểm mà quân Pháp mệnh danh là thiên thần gác cửa sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Binh lính địch hoang mang, hoảng loạn nhưng chúng vẫn điên cuồng chống trả. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật sau khi nắm tình hình qua khai thác tù binh địch đã cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích bất chấp mọi hiểm nguy tiến thẳng vào sở chỉ huy De Castries. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” đã được Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phất cao trên nóc hầm De Castries, báo hiệu giờ chiến thắng và đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn pháo đài quân sự bất khả xâm phạm của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ. 

Hiện nay, tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” vô cùng nổi tiếng. Bức tranh gồm 4 trường đoạn, trong đó trường đoạn thứ tư là “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng với điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Người phất lá cờ ấy không ai khác chính là Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật. 

Chị Hoàng Thị Châm, hướng dẫn viên tại Bảo tàng chia sẻ: Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật. Hình ảnh Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phất lá cờ tung bay trên nóc hầm De Castries ở trường đoạn thứ tư luôn là hình ảnh gây được sự chú ý nhiều nhất của mỗi du khách khi tham quan tại Bảo tàng. Chính bản thân chị khi giới thiệu đến đây cũng luôn luôn dâng lên một niềm xúc động, nghẹn ngào bởi khoảnh khắc tiêu biểu của chiến thắng vĩ đại ấy đã được tái hiện lại một cách vô cùng chân thực, sống động và hùng tráng. 

Từ đường dòng họ Tạ Bá ở xã Thụy Hải (Thái Thụy).

Chúng tôi về xã Thụy Hải - quê hương của anh hùng Tạ Quốc Luật khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Người dân Thụy Hải không chỉ tự hào vì đã sinh ra người anh hùng Tạ Quốc Luật mà đây cũng là mảnh đất đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Xã Thụy Hải có 174 liệt sĩ; 70 thương binh, bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phát huy truyền thống của quê hương, những năm qua xã Thụy Hải đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển. Thụy Hải hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt khi từ một vùng quê miền biển vốn nhiều khó khăn nhưng nay cuộc sống của người dân đã thực sự thay đổi; tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng nâng lên, số hộ nghèo giảm qua từng năm. 

Người Thụy Hải hàng ngày vẫn kể cho nhau nghe về Tạ Quốc Luật, người con anh dũng, kiên cường của quê hương, người anh hùng đã bắt sống tướng giặc De Castries, người mãi mãi sống trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc, của mỗi người dân quê lúa Thái Bình nói chung cũng như người Thái Thụy nói riêng. Thật tự hào biết bao khi trong thời khắc lịch sử của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” người Thái Bình lại góp sức mình trong đó.

Đỗ Hồng Gia