Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thứ 3, 07/05/2024 | 09:56:52
24,370 lượt xem
Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết số 33 đề ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Một thập kỷ triển khai thực hiện Nghị quyết đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy toàn diện đời sống kinh tế - xã hội và khơi dậy các giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Các câu lạc bộ chèo truyền thống góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Tín hiệu tích cực

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết trong Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 22/7/2014; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nhằm góp phần xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng, đi sâu vào nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Một số chỉ tiêu về văn hóa tăng cao: đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 93,2% số hộ gia đình văn hóa; 91,8% khu dân cư văn hóa; 100% số xã, phường, thị trấn đã quy hoạch và xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp, ngăn chặn sự đẩy lùi, xuống cấp về đạo đức xã hội. Những kết quả của phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội... góp phần thúc đẩy toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Tại thành phố Thái Bình, phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa để tạo động lực xây dựng thành phố trở thành đô thị hiện đại, những năm qua, nhiều công trình phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân được khánh thành và đưa vào sử dụng như công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu, công viên 30/6... Ngoài ra, các thiết chế văn hóa cơ sở tại thôn, tổ dân phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp, các hoạt động thể thao, văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp với 35 CLB thơ hoạt động thường xuyên, hiệu quả, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 CLB dân vũ... Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố có 33 lượt di tích đã được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Thái Bình chia sẻ: Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ văn hóa của thành phố đã từng bước chuẩn hóa, đồng bộ. Đội ngũ làm công tác văn hóa ngày càng chuyên nghiệp. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét. Bức tranh thành phố hôm nay không chỉ đổi thay về diện mạo trở nên khang trang, hiện đại mà nếp sống văn hóa, văn minh đã lan tỏa trong mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cộng đồng dân cư và người dân thành phố.

Văn hóa là nền tảng phát triển

Sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã thực sự trở thành điều kiện tốt giúp hình thành nhân cách con người có lối sống văn hóa, phát huy truyền thống của quê hương, phát triển các giá trị văn hóa mới. Xác định thế hệ trẻ được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển con người, từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, đổi mới các hình thức giáo dục nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút thanh thiếu niên với các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước. Từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tổ chức gần 4.700 hoạt động giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, thu hút trên 760.800 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia. Đặc biệt, trên quy mô cấp tỉnh, đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Thái Bình với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tham gia chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 2.600 đoàn viên, thanh niên tham gia, thu hút trên 10.000 lượt tiếp cận trên các nền tảng số. Anh Nguyễn Bá Cát, Phó Bí thư Tỉnh đoàn thông tin: Trước những tác động của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, một trong những giải pháp được các cấp bộ đoàn trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện thời gian tới là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng nhằm chia sẻ, lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện mang giá trị nhân bản, lối sống nhân văn, tạo ra xu hướng tích cực về những điều tốt đẹp trong cuộc sống góp phần lấn át những thông tin xấu, độc. Ngoài ra, tuổi trẻ Thái Bình tiên phong tham gia chuyển đổi số. Thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh sẽ góp phần hình thành lớp “công dân Thái Bình số” thời gian tới.

Thế hệ trẻ bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc.

Từ thành quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có những giải pháp tích cực để phát triển văn hóa, con người Thái Bình trong giai đoạn mới. Ông Đinh Trọng Xá, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ chia sẻ: Lĩnh vực văn hóa có vai trò đóng góp rất to lớn trong sự phát triển của huyện nhiều năm qua. Để triển khai thực hiện Nghị quyết tiếp tục đạt hiệu quả cao, huyện Quỳnh Phụ đặc biệt chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền thường xuyên đến mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, huyện quyết tâm rà soát, hoàn thiện nâng cấp, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố bởi đây là thiết chế văn hóa quan trọng, trực tiếp gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần, là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Thông qua việc tổ chức lễ hội cổ truyền, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra tại khắp các khu dân cư cùng công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực văn hóa được tăng cường sẽ góp phần gìn giữ và phát triển nét đẹp truyền thống văn hóa riêng có.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đã được đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của tỉnh là cần hoàn thiện và sớm ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa. Với sự đồng thuận, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng, chung tay của các tầng lớp nhân dân, sức mạnh “nội sinh” của văn hóa sẽ trở thành nguồn lực to lớn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các trường học trên địa bàn tỉnh đưa nghệ thuật chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy.

Tú Anh