Thứ 7, 23/11/2024, 14:07[GMT+7]

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 6, 17/05/2024 | 21:42:20
1,273 lượt xem
Những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh có nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn nội dung này, nhân kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam 18/5, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) - 1 trong 2 doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong hoạt động KHCN của tỉnh những năm qua? 

Ông Phạm Văn Quang: Những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động KHCN của tỉnh đã có những bước tiến rõ rệt. Từ năm 2019 đến năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án về việc phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương, nổi bật là Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025; Nghị quyết số 10/2023/ NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định định mức lập dự toán kinh phí, định mức chi đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước và một số định mức chi hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình; đề án “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Về triển khai các nhiệm vụ KHCN, giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai 176 nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu trong phát triển nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi như: Đã tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới có triển vọng đưa vào sản xuất như: lúa lai hai dòng TH6-6, giống lúa lai Phúc Thái 168, dưa lê Kim Bạch, Cẩm Châu... Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã và đang được xây dựng theo hướng an toàn, bền vững như: Mô hình sản xuất lúa bổ sung giống rươi, nhân giống gà Tò, nuôi ong ngoại lấy mật trong thùng kế... Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được quan tâm chú trọng với nhiều thành tựu như: đã ứng dụng công nghệ số vào máy cắt sử dụng công nghệ Laser trong chế tạo các loại chi tiết máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; thiết kế, lắp đặt hệ thống điều khiển thông minh tưới một số loại cây trồng tại tỉnh Thái Bình; phát triển kỹ thuật Multiplex Real - time PCR và ứng dụng trong chẩn đoán và giám sát sự lưu hành của vi khuẩn kháng colistin tại Thái Bình... 

Trong công tác quản lý nhà nước về KHCN, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện tham gia ý kiến thẩm định công nghệ hơn 100 các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu xây dựng, phát triển cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình. 

Đặc biệt, năm 2023, Sở đã tổ chức thành công lễ khai trương trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Đến nay, đã có 50 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đưa sản phẩm vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá, giao dịch tại sàn thực với khoảng 500 loại sản phẩm, hơn 5.000 đơn vị sản phẩm; gần 300 sản phẩm được quảng bá, giao dịch trên sàn ảo. 

Phóng viên: Có thể nói, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực luôn được Thái Bình quan tâm trong thời gian qua. Xin ông cho biết giải pháp của ngành KHCN trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển các loại hình sản phẩm trên?

Ông Phạm Văn Quang: Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh đều có sự đóng góp của ngành KHCN, từ khâu lựa chọn giống mới, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo quản, chế biến, tiêu thụ đến khâu xây dựng, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể...). Để thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngành KHCN đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng... Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình với những biện pháp như: tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ cho các bộ phận quản lý và vận hành sàn... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KHCN phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh. 

Phóng viên: Hàng năm, việc phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo được ngành KHCN triển khai với các nhiệm vụ, đề tài cụ thể. Theo ông, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đề tài KHCN là gì?

Ông Phạm Văn Quang: Mặc dù hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống đã được triển khai rộng khắp song vẫn chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa có sự thống nhất giữa một số văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi, các vấn đề liên quan đến chủ sở hữu của các kết quả đề tài, dự án do Nhà nước đầu tư; còn thiếu các quy định pháp lý cho hoạt động của các dịch vụ chuyển giao công nghệ. Những quy định về quản lý, cơ chế tài chính trong thực hiện nhiệm vụ KHCN còn gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng về vấn đề xử lý tài sản hình thành trong thực hiện nhiệm vụ; thành lập quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp, cơ chế khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ đến sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương tuy đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của KHCN song việc chuyển từ nhận thức đó thành những chính sách, nguồn lực, dự án cụ thể để phát triển KHCN của tỉnh, của ngành và địa phương còn hạn chế. 

Phóng viên: Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ có những định hướng hoạt động như thế nào để khắc phục những khó khăn, vướng mắc cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, thưa ông?

Ông Phạm Văn Quang: Với vai trò nòng cốt, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của KHCN thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới cơ chế tổ chức quản lý các đề tài, dự án KHCN theo hướng ưu tiên, tập trung vào các lĩnh vực KHCN có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức KHCN trong và ngoài nước. Chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ đầu ngành về KHCN; thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là đối với cán bộ có trình độ cao. Sở cũng sẽ tăng cường quảng bá và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn KHCN được giao quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí vốn đầu tư cho hoạt động KHCN.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Mô hình ứng dụng KHCN vào trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân.

Thu Hoài

 (thực hiện)