Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

“Trái ngọt” ven sông Kỳ I: Vùng đất phù sa từng bị “bỏ ngỏ”

Thứ 2, 20/05/2024 | 09:46:46
13,363 lượt xem
Được bao bọc và bồi đắp bởi phù sa của 3 con sông: sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý, huyện Hưng Hà có thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp từ vùng đất bãi ven sông. Với 1.500ha diện tích đất bãi trải dài qua 14 xã, thị trấn, dưới bàn tay cần cù, chịu khó cộng với tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân nơi đây đã mang lại những “trái ngọt” với bốn mùa xanh tươi, trù phú. Thế nhưng, việc khai thác “nguồn tài nguyên” vùng đất bãi vẫn còn những trăn trở, rào cản, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế đang có.

Mô hình trồng cây dược liệu trên vùng đất bãi của HTX Sản xuất kinh doanh Anh Vũ, xã Hồng Minh (Hưng Hà) tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Dù được đánh giá là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ nhưng do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp... khiến nhiều vùng bãi bồi của huyện Hưng Hà vốn là “bờ xôi ruộng mật” có thời điểm bị để hoang hóa hoặc sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn làm giảm giá trị sản xuất kinh tế.

Rào cản từ cơ sở hạ tầng

Hưng Hà có vùng đất bãi rộng nên thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân nơi đây.

Ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX SXKD Anh Vũ, xã Hồng Minh là người có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển kinh tế vùng đất bãi ven sông Trà Lý. Hiện HTX của anh đã tích tụ được 25ha chuyên trồng cây công trình, cây ăn quả và hoa màu. Anh Vũ chia sẻ: Trước đây, các tuyến đường nối từ đê xuống bãi là đường đất. Vào mùa mưa, đường lầy lội, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi sản xuất vài vụ không thấy có lãi nên nhiều người đã bỏ hoang. Thời điểm đó, toàn xã có 160ha đất bãi thì có đến 40% diện tích bỏ hoang. 

Giống như anh Vũ, anh Trần Đức Triển, thôn Bắc Sơn, xã Hồng An có gần 15 năm bám trụ nơi vùng đất bãi sông Hồng để mưu sinh. Với diện tích hơn 8 mẫu, gia đình anh trồng chuối tiêu hồng bởi đây là cây ăn quả phù hợp với chất đất phù sa, tốn ít công chăm sóc. Tuy nhiên, có thời gian anh Triển gần như bỏ cuộc bởi các yếu tố bất lợi về giao thông, thủy lợi..., đặc biệt diện tích đất bãi nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung cũng gây nhiều khó khăn cho việc canh tác. 

Anh Triển cho biết: Ngoài thiên tai, bão lụt thì rào cản lớn nhất là hệ thống thủy lợi chưa được kiên cố hóa khiến việc tưới, tiêu vất vả. Khi chưa có hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, bơm nước, chúng tôi phải gánh từ sông từng thùng nước để chăm sóc cây trồng. Tưởng rằng lấy công làm lãi nhưng công sức bỏ ra nhiều mà thu nhập không được bao nhiêu. Có những thời điểm gia đình tôi đã bỏ hoang 2 năm không trồng trọt vì chi phí sản xuất cao gấp nhiều lần tổng thu nhập mà một sào đất bãi mang lại.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà thông tin: Sở dĩ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện thời điểm đó còn hạn chế là bởi sản xuất nhỏ hẹp, manh mún. Muốn đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn sử dụng để đầu tư chủ yếu từ lồng ghép các chương trình, không có nguồn đối ứng nên bị giới hạn, dẫn đến việc các công trình không được đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, hiệu quả sản xuất không cao. Những hạn chế đó cũng là nguyên nhân khiến Hưng Hà chưa tạo ra nhiều nông sản chất lượng cao. Hiện nay, đa số nông sản ở dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất bãi không được canh tác, rất lãng phí.

Nhiều hộ dân vẫn tập trung gieo trồng cây màu truyền thống nên giá trị kinh tế chưa cao.

Khó từ tư duy sản xuất

Cùng với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, tư duy sản xuất của người dân cũng là rào cản trong việc hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Những năm trước đây, vùng đất bãi của Hưng Hà chủ yếu trồng những cây trồng truyền thống như lạc, đỗ, ngô..., quy mô sản xuất nhỏ, rải rác nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng đất còn thấp, chưa tạo được đột phá trong sản xuất.

Theo thống kê của huyện Hưng Hà, trước đây giá trị sản xuất từ vùng đất bãi chỉ chiếm 5 - 10% giá trị sản xuất của các địa phương. Điển hình như vùng đất bãi ven sông Luộc, xã Điệp Nông tơi xốp và màu mỡ phù hợp với các loại cây trồng, tuy nhiên hơn 20 năm nay người dân nơi đây chủ yếu sản xuất các loại cây màu truyền thống. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Việt Yên 5 cho biết: Hàng năm gia đình tôi trồng 4 sào lạc xuân trên vùng đất bãi này. Giống lạc ở đây là giống lạc đỏ truyền thống, bà con tự chọn lọc, để giống từ năm này qua năm khác. Do chất đất phù sa nhiều dinh dưỡng nên cây lạc hầu như không cần phải bổ sung các loại phân hóa học. Việc chăm sóc cây cũng không tốn công sức, chủ yếu tập trung vào thời điểm lạc trổ hoa, tạo củ thì tiến hành xới xáo, vun gốc, nhặt cỏ. Đổi lại, giá trị kinh tế không cao, mỗi sào lạc chỉ lãi hơn 1 triệu đồng.

Vùng đất bãi của Hưng Hà chủ yếu trồng những cây trồng truyền thống như lạc, đỗ, ngô.

Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX DVNN Điệp Nông chia sẻ: Từ năm 2012, HTX đã tham mưu lãnh đạo địa phương quy hoạch 2 vùng sản xuất (vùng bãi trên và bãi dưới) với diện tích gần 130ha. 2 vùng này chủ yếu sản xuất các loại cây như đậu tương, rau, ngô tẻ, kê... Tuy nhiên, sản lượng kê thời điểm đó chỉ đạt từ 1 - 1,2 tạ/sào, ngô tẻ đạt gần 1,8 tạ/sào nên giá trị sản xuất vùng đất bãi chỉ chiếm 8 - 10% giá trị nông nghiệp toàn xã. Cùng với đó, bà con chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp khiến nhiều nông dân không mặn mà với vùng đất bãi. Có thời điểm, theo thống kê, diện tích đất bãi bỏ hoang của xã lên đến 10ha.

Với anh Trần Khắc Cường, thôn Phú Hà, xã Tân Lễ, trên diện tích 3 sào đất bãi anh luân canh 4 vụ/ năm, trong đó 3 vụ chính trồng ngô, 1 vụ trồng đậu tương, đỗ, lạc. Mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ các chi phí về giống, phân bón... Sau 30 năm gắn bó với nghề nông, anh Cường biết phương thức sản xuất của mình đã lạc hậu so với thời điểm hiện nay nên mong muốn có được sự liên kết sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng. 

Anh Cường tâm sự: Qua thực tế ở địa phương, tôi thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn yếu, liên kết tổ chức sản xuất chưa cao, mỗi người một hướng, mạnh ai nấy làm. Nhìn sang các địa phương khác, tôi mong muốn địa phương tích cực dẫn dắt bà con liên kết sản xuất để có những sản phẩm giá trị, tiêu thụ mạnh, có chỗ đứng trên thị trường. Được như thế, chắc chắn người làm nông sẽ có cuộc sống tốt hơn và gắn bó với vùng đất bãi hơn.

Phát triển vùng đất bãi trong thời kỳ “nông nghiệp mở” nhưng với tâm lý và tập quán sản xuất nhỏ, việc tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn nên hiệu quả sản xuất chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương trong huyện cần có giải pháp lâu dài nhằm đẩy mạnh liên kết, mở ra cơ hội phát triển từ vùng đất bãi.


Ông Hoàng Ngọc Tạo, Phó Giám đốc HTX DVNN Hồng An 
Xã Hồng An hiện có 140ha đất bãi ven sông. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, lạc nhưng giá trị kinh tế không cao. Trong khi đó, bất cập của mùa mưa bão, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, nông dân chưa đầu tư khoa học kỹ thuật, có thời điểm một sào rau màu chỉ thu lãi 200.000 đồng. Do đó, chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện có giải pháp định hướng giúp địa phương hướng dẫn nông dân khai thác hiệu quả kinh tế vùng đất bãi này.

Bà Nguyễn Thị Chức, thôn Minh Xuyên, xã Hồng Minh 
Do không có điều kiện sản xuất, tuổi cao nên 2 sào đất bãi tôi cho thuê. Trước đây chúng tôi trồng ngô theo tính chất “ăn xổi” nên chỉ thu được khoảng 2,5 tạ ngô/sào, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ năm. Năng suất thấp, hơn nữa không có đầu ra nên 2 năm nay tôi cho các tổ chức thuê lại để sản xuất, vừa không lãng phí đất vừa có thêm thu nhập.


Thanh Thuỷ

(còn nữa)